Wednesday, June 26, 2013

ĐỜI SỐNG HẾT LÒNG VÌ CHÚA

(Trích từ BẢN TIN số 8 của LDNG)
Ngày nay, trong vòng cộng đồng con cái Chúa, nhiều người đặt tên con trai tên là Giô-si-a (Josiah). Tôi đi truyền giáo ở Cam-bốt thì con trai út của Mục sư Giáo sĩ là Giô-si-a. Tôi ghé thăm một gia đình một Mục sư ở Kansas thì biết được con trai út của ông bà cũng là Giô-si-a. Nói đâu chi xa, con trai út của chúng tôi cũng là Giô-si-a. Và chắc cũng có nhiều gia đình có con em tên này lắm. Có lẽ những bậc cha mẹ cũng như chúng tôi rất quý mến vị vua trẻ của Giu-đa có tên là Giô-si-a, một vị vua “hướng về Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết sức mà vâng theo mọi điều trong Kinh Luật” (II Các Vua 23:25).
     Vua Giô-si-a lên ngôi năm 8 tuổi, trị vì 31 năm (641-609 TC). Vua được mô tả trong sách II Các Vua 22:2, “Vua làm điều ngay lành trước mặt CHÚA và bước đi trong mọi đường lối của tổ phụ vua là Đa-vít. Vua chẳng xây qua bên phải hay bên trái.” Khi ông lên ngôi vua, tình trạng của nước Giu-đa suy đồi về mọi mặt, nhất là việc thờ phượng Chúa trong đền thờ Giê-ru-sa-lem và dân sự Chúa không còn sống theo lời Chúa trong thời vua Ma-na-se, vị vua gian ác nhất của nước Giu-đa (vương quốc phía Nam).

     Trong thời gian trị vì, vua đã làm nhiều điều để cải tổ đất nước, giúp dân sự trở lại với Chúa và những việc này bày tỏ tấm lòng của vua đối với Đức Chúa Trời và đối với dân tộc của ông.
1. HẾT LÒNG ĐỂ CẢI CÁCH:  Việc cải cách của vua Giô-si-a bắt đầu từ đời sống hết lòng vì Chúa của vua. Công tác này được thực hiện qua ba giai đoạn. Thứ nhất, Tìm Kiếm Chúa. II Sử Ký 34:3a chép, “Vào năm thứ tám đương thời vua trị vì, dù còn trẻ vua bắt đầu tìm kiếm Đức Chúa Trời của vua Đa-vít, tổ phụ mình.” Giai đoạn này cũng có thể gọi là Cải Cách Cá Nhân. Vua Giô-si-a tìm kiếm Chúa lúc ông 16 tuổi, tuổi mà nhiều người ngày nay cho là tuổi con nít, chưa trưởng thành, nhưng có lẽ ông đã có những người kính sợ Chúa hướng dẫn mình, là những người biết cuộc đời của vua Đa-vít.
     Thứ nhì, Dẹp Bỏ Thần Tượng. II Sử Ký 34:3b chép, “Đến năm thứ mười hai, vua bắt đầu thanh tẩy Giu-đa và Giê-ru-sa-lem, loại bỏ những nơi cao, các trụ thờ, những tượng chạm khắc và hình tượng đúc.” Tức là lúc này vua 20 tuổi, sau 4 năm tìm kiếm Chúa hoặc sau 4 năm được “huấn luyện, trang bị” cho những việc cải cách quan trọng khác.

     Giai đoạn này có thể gọi là Cải Cách Xã Hội hay Môi Trường. Vua cho phá hủy hết các tượng chạm, trụ thờ, bàn thờ thần Ba-anh và các thần khác. Vua cho đốt xương của các thầy cúng của các thần. Vua không những “thanh tẩy Giu-đa và Giê-ru-sa-lem” mà vua còn phá hủy bàn thờ, trụ thờ, hình tượng tại nhiều nơi trong Y-sơ-ra-ên, vương quốc phía Bắc.

     Thứ ba, Củng Cố Sự Thờ Phượng. Giai đoạn này có thể gọi là Cải Cách Tâm Linh. Khi vua được 26 tuổi, vua cho sửa sang đền thờ. Trong lúc dọn dẹp, thì thầy tế lễ Hinh-kia tìm thấy cuốn Kinh Luật (Phục Truyền) của Chúa do Môi-se truyền lại, bị tiền bạc che lấp trong đền thờ. Sau khi nghe đọc Kinh Luật, vua xé áo mình bày tỏ sự ăn năn và truyền lệnh các thầy tế lễ đi cầu vấn người của Đức Chúa Trời. Rồi, “Vua truyền triệu tập tất cả những trưởng lão của Giu-đa và Giê-ru-sa-lem. Vua đi lên đền thờ CHÚA; tất cả những người Giu-đa và cư dân Giê-ru-sa-lem, thầy tế lễ, người Lê-vi, người lớn, kẻ nhỏ cùng đi theo. Vua đọc cho họ nghe mọi lời chép trong sách giao ước đã tìm thấy trong đền thờ CHÚA.  Vua đứng tại chỗ mình, tái kết ước trước mặt CHÚA, hứa theo CHÚA, tuân giữ các điều răn, sắc luật và qui luật cùng hết lòng, hết linh hồn thi hành những lời giao ước đã chép trong sách này” (II Sử Ký 34:29-31). Sau đó vua cử hành lễ Vượt Qua mừng Chúa tại Giê-ru-sa-lem và lễ này được tổ chức trọng thể và linh đình. “Từ thời các thẩm phán đoán xét trên dân Y-sơ-ra-ên, hay trong thời của các vua Y-sơ-ra-ên hay trong thời các vua Giu-đa, người ta chưa hề thấy một lễ Vượt Qua nào được tổ chức như vậy” (II Các Vua 23:22).

     Vua Giô-si-a quả thật là một người cải cách. Nếu ông sống trong thời đại của chúng ta thì ông được coi là nhà cách mạng hay người thay đổi. Ông đã hết lòng cải cách về mọi mặt, bắt đầu với chính mình và vương quốc của ông đã được thay đổi, phục hồi. Chúng ta học hỏi được gì từ nơi vua Giô-si-a? Mỗi ngày, chúng ta có tìm kiếm Chúa không? Chúng ta có vâng theo lời Chúa không? Có những thần tượng nào chúng ta đang thờ trong đời sống mình? Có thể không phải là một hình tượng, nhưng có thể là địa vị, chức sắc, bằng cấp, tiền bạc, danh tiếng, hay một quan hệ trái phép? Chúng ta có thờ phượng Chúa hết lòng và vui vẻ không? Tinh thần chuẩn bị thờ phượng của chúng ta như thế nào? Chúng ta có hết lòng, hết linh hồn vâng giữ lời Chúa không?

     Một đời sống hết lòng vì Chúa là đời sống tìm kiếm Chúa, dẹp bỏ những thần tượng, và thờ phượng Chúa.

2. NẾP SỐNG NGƯỜI CẢI CÁCH: Những việc làm của vua Giô-si-a xuất phát từ đời sống, đặc biết từ tấm lòng kính yêu Chúa của ông. Đây là một vài điều mà chúng ta học hỏi được qua đời sống của vua.

     Thứ nhất, Trung Tín Trong Hoàn Cảnh Xấu. Cha của vua Giô-si-a là vua A-môn, là một vị vua ác và ông nội của vua lại là vua Ma-na-se, một vị vua gian ác nhất, tàn ác nhất, nhưng ông không chịu ảnh hưởng của họ. Vua lớn lên trong một môi trường mà dân sự của ông, tuyển dân, tệ hơn các dân tộc mà Chúa hủy diệt (II Các Vua 21:9), Giê-ru-sa-lem “tràn ngập máu người vô tội từ đầu này đến đầu kia” (II Các Vua 21:16), và dân sự chú trọng vào việc thờ và phục vụ thần tượng (II Các Vua 21:2-7, 21). Có lẽ chúng ta được khích lệ khi học biết đời sống của vua Giô-si-a. Chúng ta hãy tiếp tục trung tín với Chúa dù Hội Thánh nơi mình thờ phượng và phục vụ, có nhiều người sa đọa, lộng quyền, hay dung thứ tội lỗi. Chúng ta hãy tiếp tục trung tín với Chúa trong mục vụ mình đang dự phần hoặc được tín nhiệm dù thành phần lãnh đạo chỉ vì lợi danh, bè phái, làm những việc mờ ám.

     Thứ nhì, Trung Tín Qua Hành Động. Đời sống của vua Giô-si-a là một đời sống đức tin qua hành động, lời nói đi đôi với việc làm. Ông dọn dẹp các hình tượng trong thành phố, ông tái thiết đền thờ, ông phục hồi sự thờ phượng, và dạy dỗ dân sự giữ lời Chúa. Giô-si-a là người của hành động. Khác với Giô-si-a, ngày nay có rất nhiều người “trung tín” nhưng không có hành động. Những người “trung tín” kiểu này thích nói về chức vị của mình, bao nhiêu năm trong nhà thờ, giữ nhiều chức vị khác nhau trong tổ chức tôn giáo, nhưng dường như không có làm gì hết, chỉ họp hành cho vui hoặc cho oai. Thưa tôi con Chúa, Chúng ta được cứu để làm việc lành và nay đã đến lúc chúng ta cần phải làm, phải hành động theo chức vị của mình. Người phục vụ Chúa phải là người phục vụ, làm tôi tớ, chứ không phải là người cai trị của Chúa hay cai trị cho Chúa.

     Thứ ba, Làm Gương Cho Người Khác. Giô-si-a để lại một tấm gương cho chúng ta trong những lĩnh vực sau:
·  Tìm kiếm Chúa và khiêm cung tiếp nhận ý Chúa, trước hết cho chính mình.
·  Đau đớn với nỗi đau tội lỗi và ăn năn xưng tội lỗi mình và dân sự.
·  Bước đi trong đường lối Chúa, không quay sang phải hoặc trái, và vâng giữ lời Chúa.
·  Nhận biết giá trị của Luật Chúa và thi hành.
    
     Có lẽ chúng ta không vĩ đại như vua Giô-si-a hay hết lòng vì Chúa như vua, nhưng trong đời sống theo Chúa, chúng ta có thể để lại những gương cho những người khác, ít nhất cho con cái của mình. Chúng ta có thể làm gương trong việc trung tín đi nhà thờ, trong việc đọc và học lời Chúa, trong việc dâng hiến, trong việc phục vụ, trong việc nói về Chúa, chia sẻ Phúc âm cho người khác, hoặc trong việc chúng ta cư xử với những anh em trong đức tin hay trong một mục vụ. Nếu có ai hỏi người khác hay con cái về chúng ta, chúng ta có để lại gương gì không?
     Tôi rất thích phần tường thuật vào phần kết về cuộc đời của vua Giô-si-a. II Các Vua 23:25 chép, “Trước vua, không có vua nào làm như vua; vua hướng về CHÚA hết lòng, hết linh hồn, và hết sức mà vâng theo mọi điều trong Kinh Luật của Môi-se; sau vua cũng chẳng có vua nào được như thế.” Những chữ để mô tả cuộc đời của vua là “hết lòng, hết linh hồn, và hết sức” và vua đã mô tả đời sống mình qua hành động vâng theo lời Ngài. Tôi muốn mượn câu Kinh Thánh này để nhắc nhở mỗi chúng ta, là những người tin Chúa, theo Chúa và hầu việc Chúa. Chúng ta hãy cùng nhau xét lại đời sống mình bằng cách để tên mình vào chỗ trống.
(Trong Mục vụ. Ví dụ: Liên Hữu BT,  LDNG, VMB, Hội Thánh, ...)
Trước _ _ _ , không có người nào làm như _ _ _; _ _ _ hướng về CHÚA hết lòng, hết linh hồn, và hết sức mà vâng theo mọi điều trong Kinh Luật của Môi-se; sau _ _ _ cũng chẳng có người nào được như thế.
     Khi nào chúng ta đủ can đảm để tên mình vào, khi ấy mình thật sự có một “chút lòng vì Chúa” trong mục vụ mình. Hãy sống hết lòng vì Chúa.
MS Võ Ngọc Triển, LĐT 
Hội Thánh Báp Tít Việt Nam Sachse, TX