Monday, December 10, 2012

NGƯỜI KHÔN NGOAN NGÀY NAY

(Trích từ BẢN TIN số 7 của LDNG)
Tục ngữ ca dao chúng ta có những câu sau đây về khôn ngoan:
     Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống .
Hoặc
     Khôn ngoan đối đáp người ngoài
     Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau .
Hoặc
     Khôn từ trong trứng khôn ra
     Dại dẫu đến già cũng dại.
     Trong sách Châm ngôn đoạn 2 & 3 nói nhiều về sự không ngoan. Nói về sự khôn ngoan thì triết gia nổi tiếng Socrates có câu: “I am the wisest man alive, for I know one thing, and that is that I know nothing.” (tạm dịch, “Tôi là người khôn ngoan nhất thế giới, vì tôi biết một điều, và điều đó là tôi không biết gì cả.)


     Người Việt chúng ta nghe ai học Triết học thì chúng ta rất kính nể vì cho rằng người học Triết có một kiến thức rộng và có lối suy nghĩ, lập luận cao siêu. Triết học, nguyên ngữ Hy-lạp philosopia, bao gồm chữ philos (người yêu thích hay ham muốn) và chữ sophia (sự khôn ngoan). Người học Triết là người ham thích sự khôn ngoan. Trên thực tế rất ít người học Triết học, có lẽ đối với nhiều người, học về sự khôn ngoan không thực tế, không đáng kể hơn những thứ khác trong đời sống. Nên học ngành nghề khác dễ làm ra tiền hơn.
Người khôn ngoan là người có suy nghĩ và quyết định khôn ngoan trong đời sống. Theo phân đoạn Kinh Thánh trong Ma-thi-ơ 2:1-12, chúng ta cùng suy nghĩ một vài yếu tố vế người khôn ngoan. Người khôn ngoan là người có đời sống:

1. Theo Sự Sáng Ðể Tìm Kiếm Chúa (Following the Light to Seek God) c. 1-2, 10. “Khi Đức Chúa Giê-su đã sanh tại thành Bết-lê-hem, xứ Giu-đê, đang đời vua Hê-rốt, có mấy thầy bác sĩ ở đông phương đến thành Giê-ru-sa-lem, mà hỏi rằng: Vua dân Giu-đa mới sanh tại đâu? Vì chúng ta đã thấy ngôi sao Ngài bên đông phương, nên đến đặng thờ lạy Ngài.”
     “Bết-lê-hem, xứ Giu-đê” được đề cập đầu tiên trong sách Các Quan Xét 17:7. Thành Bết-lê-hem cách Giê-ru-sa-lem khoảng 6 dặm và nằm trên một ngọn đồi. Thành này còn được gọi là Ê-phơ-rát trong Sáng-thế ký 48:7 và Mi-chê 5:2, và dân trong thành được gọi là người Ê-phơ-rát trong Ru-tơ 1:2 và I Sam 17:12. Trong tiếng Hê-bơ-rơ, Bết-lê-hem có nghĩa là “nhà bánh.” Thành Bết-lê-hem cũng là nơi sinh của Giê-su, Ðấng Cứu Thế, là bánh thật, bánh hằng sống đến từ trời phó đời sống để ban sự sống cho nhân loại. Chữ “lê-hem” còn có nghĩa là thân thể. Ðiều này có nghĩa nơi đây Ðức Chúa Trời giáng thế trong thân thể của hài nhi Giê-su để ban sự cứu rỗi cho nhân loại.
     Khi chúng ta tin nhận Chúa là chúng ta nếm trải Bánh sự sống và Nước hằng sống. Dù vậy nhiều con cái Chúa vẫn không hề kinh nghiệm đời sống sung mãn mà Chúa muốn họ có. Nếu chúng ta tin Chúa mà đời sống chúng ta còn èo uộc, sầu thảm, chúng ta cần xét lại mình có thật sự tìm kiếm Chúa trong đời sống mình không.
     “Mấy thầy bác sĩ” được dịch “mấy nhà thông thái” trong BDM. Các bản tiếng Anh dịch “wise men” và bản NIV để nguyên chữ “magi.” Trong tiếng Hy-lạp, chữ được dùng ở đây là magoi. Chữ magician, tức là ảo thuật gia, có gốc chữ là magi. Những người magi hay thông thái vào thời bấy giờ có thể hành nghề chiêm tinh gia, ảo thuật, tà thuật, hay làm một nghề phù phép đen tối nào đó. Trong sự tối tăm của cuộc đời, họ đã nhìn thấy ngôi sao lạ như một sự giải pháp cho họ thoát khỏi đời sống tối tăm. Họ quyết định đi theo sự sáng đó để tìm Vua Giu-đa. Người khôn ngoan là người theo sự sáng để tìm kiếm và tin nhận Chúa để được sự cứu rỗi.
     Tuổi thơ của tôi ở Việt Nam, dù không biết Chúa nhưng thường chơi trò chơi “Thiên Đàng, Địa Ngục.” Cả đám trẻ bắt tay lên vai nhau thành hàng và có hai người chắp tay làm cổng cho hàng đi qua. Chúng tôi cùng đọc, “Thiên Đàng, Địa Ngục hai bên. Ai khôn thì dại. Ai dại thì khôn. Đêm nằm, nhớ Chúa, nhớ Cha, hãy mau nguyện kẻo sa linh hồn. Linh hồn phải giữ linh hồn. Đến khi mình chết, được lên Thiên Đàng.” Bây giờ nghĩ lại thấy trò chơi có nhiều ý nghĩa. Khi chúng ta nghĩ mình khôn ngoan, không cần tới Chúa, là mình dại vì linh hồn sẽ không được cứu. Khi mình nghĩ mình dại, mình cần Chúa giúp đỡ, linh hồn mình được cứu và được Ngài dẫn dắt, là mình khôn. Chúng ta khôn ngoan vì Chúa ban cho chúng ta sự khôn ngoan.
     Trong câu 9-10, “Mấy thầy nghe vua phán xong, liền đi. Kìa, ngôi sao mà họ đã thấy bên đông phương, đi trước mặt cho đến chừng ngay trên chỗ con trẻ ở mới dừng lại. Mấy thầy thấy ngôi sao, mừng rỡ quá bội.” Các nhà thông thái tiếp tục hành trình để tìm cho được Ðấng Cứu Thế. Chúng ta có thể đã gặp được Ngài, nhưng chúng ta không nên ngừng ở đó mà tiếp tục duy trì quan hệ với Ngài để kinh nghiệm đời sống ngọt ngào, vui thỏa trong hành trình với Ngài.
     Người khôn ngoan là người sống biết tìm kiếm Chúa.

2. Thực Hành Lời Chúa (Doing the Word of God) c. 3-8. “Nghe tin ấy, vua Hê-rốt cùng cả thành Giê-ru-sa-lem đều bối rối. Vua bèn nhóm các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo trong dân lại mà tra hỏi rằng Đấng Christ phải sanh tại đâu. Tâu rằng: Tại Bết-lê-hem, xứ Giu-đê; vì có lời của đấng tiên tri chép như vầy: Hỡi Bết-lê-hem, đất Giu-đa! Thật ngươi chẳng kém gì các thành lớn của xứ Giu-đa đâu, Vì từ ngươi sẽ ra một tướng, Là Đấng chăn dân Y-sơ-ra-ên, tức dân ta. Vua Hê-rốt bèn vời mấy thầy bác sĩ cách kín nhiệm, mà hỏi kỹ càng và ngôi sao đã hiện ra khi nào. Rồi vua sai mấy thầy đó đến thành Bết-lê-hem, và dặn rằng: Các ngươi hãy đi, hỏi thăm cho chắc về tích con trẻ đó; khi tìm được rồi, hãy cho ta biết, đặng ta cũng đến mà thờ lạy Ngài.”
     Không biết sau khi nghe đọc những câu Kinh Thánh này, chúng ta có cảm giác gì? Có giống nhiều người trong vòng chúng ta không? Biết bao nhiêu lời hứa Chúa đã để lại trong Kinh Thánh để chúng ta sống và sống một đời sống bình an, yêu thương, đắc thắng, nhưng chúng ta lại không đọc, suy gẫm, và áp dụng, nhưng chúng ta lại sống buồn chán, ghen ghét, tranh cạnh, thất bại. Chúng ta thấy, “Vua và cả thành Giê-ru-sa-lem đều bối rối.” Các thầy tế lễ và các thầy thông giáo được triệu tập và họ xem lời Chúa qua tiên tri Mi-chê có chép là sẽ có một Ðấng lãnh đạo ra từ xứ Giu-đa. Chúng ta thấy đó, lời Chúa đã báo trước nhưng mọi người trong thành sống không màn gì đến lời Ngài. Chúng ta ngày nay thì sao? Chúng ta có xem xét lời Chúa mỗi ngày trong đời sống của chúng ta không?
     Nhiều tín nhân ngày nay sống nhưng không để ý đến Kinh Thánh và Kinh Thánh không là tiêu chuẩn của đời sống. Nhiều người sống giống như người sở hữu một chiếc xe, nhưng không bao giờ mở quyển Cẩm Nang Sử Dụng xe để biết sử dụng và bảo trì xe của mình. Một số người thì đợi xe hư hoặc có vấn đề thì bối rối mở cẩm nang ra. Tín nhân sống không tỉnh thức với lời Chúa thì sẽ bối rối luôn và không tìm thấy được bình an trong đời sống.
     Trong câu 7-8, chúng ta thấy vua Hê-rốt  không làm giống như ông nói, phân đoạn sau Hê-rốt tìm cách giết hài nhi Giê-su. Hê-rốt là người sống không theo lời nói của mình. Là con cái Chúa, chúng ta phải sống theo những gì mình tin và sống theo những gì mình nói.
     Chúng ta có biết một trong những lý do khiến những người kém đức tin không đi thờ phượng Chúa không? Họ gặp nhiều người có đời sống nói nhiều hơn làm. Khi họ cần giúp đỡ thì chúng ta quay mặt. Khi họ cần yêu thương thì chúng ta xa lánh. Khi nghe họ dùng những từ ngữ hơi khó nghe thì chúng ta không muốn gặp họ. Khi họ không làm theo ý mình, không trong kế hoạch mình thì mình không thích họ, không muốn gặp họ, không muốn nhìn mặt họ. Nếu chúng ta thật sự là con cái Chúa, con cái của  Ðấng yêu thương, chúng ta hãy sống trong sự yêu thương không phải chỉ ở môi miệng mà qua việc làm cụ thể của chúng ta.
     Người khôn ngoan là người biết thực hành lời Chúa.

3. Thờ Phượng Chúa (Worshipping God) c. 11. “Khi vào đến nhà, thấy con trẻ cùng Ma-ri, mẹ Ngài, thì sấp mình xuống mà thờ lạy Ngài; rồi bày của quí ra, dâng cho Ngài những lễ vật, là vàng, nhũ hương, và một dược.”
     Chúng ta thấy trong câu 2, các nhà thông thái theo sự sáng để tìm kiếm Chúa Giê-su, vua Giu-đa, để thờ phượng Ngài, thờ phượng hài nhi Giê-su chứ không phải bà Ma-ri hay bất cứ một ai khác. Có nhiều yếu tố trong việc thờ phượng Chúa, nhưng chúng ta thấy rõ hai điều: tấm lòng và việc làm của chúng ta. Tấm lòng của chúng ta là phải khiêm nhường và việc làm của chúng ta là dâng hiến. Khiêm nhường là thái độ chúng ta cần có khi thờ phượng Chúa. Làm sao khi chúng ta thờ phượng Chúa, người khác nhìn vào thì thấy Chúa hơn là thấy chúng ta, thấy Chúa được vinh hiển.
     Dâng hiến là một việc làm thiết thực trong sự thờ phượng. Dâng hiến là đặc ân mà Chúa cho con cái của Ngài. Dâng hiến bày tỏ tấm lòng biết ơn của chúng ta với Chúa. Thỉnh thoảng chúng ta có nghe một vài người nói, “Khi nào trúng số thì tôi dâng cho Hội Thánh một nửa.” Chúng ta biết chắc là ước muốn như thế không thể xảy ra vì nếu hôm nay mình có 10 đô-la mà thấy khó dâng cho Chúa 1 đô-la, thì chắc chắn sẽ không dâng một nửa cho Chúa khi trúng số.
     Cũng trong phân đoạn Kinh Thánh này, có một yếu tố liên quan đến bài hát “Ba Vua Miền Ðông.” Vì có 3 loại quà nên người ta nghĩ có 3 vị thông thái, nhưng sự thật thì Kinh Thánh không ghi chép số người. Dù đường sá xa xôi, các nhà thông thái cũng đem theo quà để dâng hiến cho Chúa. Còn chúng ta có dâng hiến cho Chúa không? Ngoài tiền bạc, Chúa muốn chúng ta dâng đời sống chúng ta cho Chúa. Rô-ma 12:1 chép, “Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em.”
Người khôn ngoan là người thờ phượng Chúa với thái độ đúng đắn là sự khiêm nhường và bày tỏ tấm lòng biết ơn qua sự dâng hiến của cải và đời sống cho Chúa.
     Theo tinh thần của phân đoạn Kinh Thánh, chúng ta có phải là những người khôn ngoan ngày nay không? Cầu xin Chúa ban cho LĐNG nhiều nam giới khôn ngoan.
MS Võ Ngọc Triển, LĐT 
Hội Thánh Báp Tít Việt Nam Sachse, TX