Thursday, November 9, 2017

LÒNG BIẾT ƠN CHÚA

“Hỡi linh hồn ta, khá ngợi khen Đức Giê-hô-va! Mọi điều gì ở trong ta hãy ca tụng danh thánh của Ngài! 2 Hỡi linh hồn ta, hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va, Chớ quên các ân huệ của Ngài. 3 Ấy là Ngài tha thứ các tội ác ngươi, Chữa lành mọi bịnh tật ngươi, 4 Cứu chuộc mạng sống ngươi khỏi chốn hư nát, Lấy sự nhân từ và sự thương xót mà làm mão triều đội cho ngươi. 5 Ngài cho miệng ngươi được thỏa các vật ngon, Tuổi đang thì của ngươi trở lại như của chim phụng-hoàng.”
Thi Thiên 103:1-5


Trong cuộc sống hằng ngày, có rất nhiều thứ đem đến ích lợi và tiện nghi cho chúng ta, như là xe hơi, máy điện toán, hệ thống dùng thẻ “credit card,” máy điện thoại cầm tay. Càng ngày với những phát minh mới mẻ, tối tân người ta chế ra nhiều máy móc, dụng cụ rất có ích cho cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Nhưng nếu hỏi về đời sống tâm linh thì có những điều gì đem đến ích lợi cho chúng ta không, để mình sống theo đúng mục đích và làm vừa lòng Chúa? Một trong những đức hạnh quan trọng, thiết nghĩ rất có ích lợi cho đời sống tâm linh của chúng ta ngoài đức tin, đó là một tấm lòng luôn biết ơn Chúa, nhất là khi chúng ta đang ở trong tháng 11, nhắc nhở mọi người về lễ Tạ Ơn.
  

I. Ích Lợi Lớn cho Đời Sống

Có tối thiểu hai điều ích lợi mà một tấm lòng biết ơn Chúa sẽ đem đến cho đời sống chúng ta.

1) Ích lợi thứ nhất cho những ai có lòng biết ơn Chúa đó là sẽ giúp người đó làm chủ được lòng tham lam, tránh được biết bao nhiêu tội ác mà luôn sống thỏa lòng. Trong 1 Timôthê 6:9-10 Phaolô nhắc nhở Timôthê gì về sự nguy hiểm của lòng tham tiền bạc như sau: “Còn như kẻ muốn nên giàu có, ắt sa vào sự cám dỗ, mắc bẫy dò, ngã trong nhiều sự tham muốn vô lý thiệt hại kia, là sự làm đắm người ta vào sự hủy diệt hư mất. Bởi chưng sự tham tiền bạc là cội rễ mọi điều ác, có kẻ vì đeo đuổi nó mà bội đạo, chuốc lấy nhiều điều đau đớn.” Lòng tham lam tiền bạc của cải vật chất chắc chắn sẽ sanh mọi điều ác, và một trong những tội ác nhất, chính là tánh bội ơn, bất nghĩa.  Có bao giờ thấy một người có tánh tham lam của cải (hay đứng núi này trông núi nọ) mà luôn nói lời cám ơn hay thỏa lòng không, hay lúc nào cũng chỉ muốn thêm, muốn nữa mà thôi. Câu chuyện về một người phụ nữ làm nghề cắt tóc. Một hôm nhân mùa lễ Tạ Ơn, bà quyết định làm phước cho những người khách hàng của mình, bằng cách ai vào cắt tóc xong, bà cho “free” không phải trả tiền. Ngày hôm sau, bà mở cửa tiệm thì thấy có một bó hoa hồng để ngoài cửa với một tấm hình của một người Mỹ trắng là một trong những khách hàng của bà, kèm theo cái note nhỏ cám ơn bà đã cắt tóc free cho mình ngày hôm qua. Ngày tới bà đến tiệm mở cửa lại thấy có một hộp kẹo chocolate để ngàoi cửa, kèm theo là hình của một anh thanh niên người Ấn độ, với tấm thiệp nhỏ cám ơn bà đã cắt tóc free cho mình 2 ngày qua. Đến ngày thứ ba, bà đến tiệm mở cửa thì thấy có 10 người Á Châu đứng chờ sẵn ở ngoài cửa. Chưa kịp hỏi han thì một người đàn trong 10 người đó đã lên tiếng: “Cách đây 3 ngày bà đã cắt tóc tôi free, bây giờ tôi gọi thêm những người bạn và người thân trong gia đình đến đây cũng muốn bà cắt tóc free cho được không?” Tiền bạc, của cải, danh vọng ở đời này không phải là những điều xấu, nhưng phải cẩn thận mà biết ơn Chúa, là Đấng ban cho mọi phước lành, kể cả sức khỏe và tài năng; nếu không dễ làm chúng ta trở nên kiêu ngạo, chỉ nghĩ rằng tiền bạc là tất cả, tiền bạc quyết định được mọi sự, mà bội ơn Chúa sao? Ai tham lam tiền bạc thường hay "quên ơn Chúa," vì trong lòng của họ không còn có Chúa làm Chủ nữa.

Thuốc giải độc để tránh lòng tham lam của cải đó là luôn cầu nguyện xin Chúa ban cho cuộc sống mình được đầy đủ là thỏa lòng rồi với sự cảm tạ. Châm Ngôn 30:7-9 – lời cầu nguyện khôn ngoan - “Tôi có cầu Chúa hai điều; Xin chớ từ chối trước khi tôi thác: Xin dan xa khỏi tôi sự lường gạt và lời dối trá; Chớ cho tôi nghèo khổ, hoặc sự giàu sang; Hãy nuôi tôi đủ vật thực cần dùng, E khi no đủ, tôi từ chối Chúa, Mà rằng: Đức Giê-hô-va là ai? Và lại kẻo e tôi bị nghèo khổ, ăn trộm cắp, và làm ô danh của Đức Chúa Trời tôi chăng.” Đại khái tác gỉa xin Chúa ban cho mình 2 điều:

a) Đừng cho con quá giàu sang mà đâm ra khinh Chúa, quên Chúa, bội ơn Chúa, xem thường những mạng lệnh của Chúa, đến nỗi bỏ đi ngày nghĩ mà làm nên ngày thánh, hoặc ăn trộm luôn phần của lễ dâng thánh thuộc của Ngài.

b) Cũng đừng để con qúa nghèo đói mà sanh tội ác: ăn cắp, trốn thuế, lừa bịt, gỉa mạo giấy tờ, nói láo những người khác mà rồi làm ô danh Chúa. Tác gỉa chỉ cầu xin Chúa ban cho mình được “đầy đủ” sống thỏa lòng mà thôi. Anh chị em có đang thỏa lòng với sự đầy đủ Chúa ban cho mình mà dâng lời tạ ơn Chúa mỗi ngày không?

2) Ích lợi thứ hai cho những ai sống có lòng biết ơn Chúa đó là sẽ gíup người đó làm chủ được sự lo lắng, mà luôn sống trong sự vui mừng. Có câu chuyện huyền thoại về “thần chết” đến thăm một cái làng kia và gặp một người đàn ông. Thần chết nói: "Đêm nay ta sẽ lấy đi mạng sống của 100 người trong làng này." Người đàn ông kia chạy về làng và loan báo cho mọi người biết tối nay thần chết sẽ đến và lấy đi 100 mạng sống. Sáng hôm sau thì có đến 1,000 người mất mạng. Người đàn ông trở lại gặp thần chết và hỏi: Tại sao có đến 1,000 người chết, ông đã nói chỉ có 100 người thôi mà. Thần chết nói: "Đúng rồi! Ta chỉ tính lấy đi 100 mạng sống thôi, nhưng 900 người kia chết là vì họ quá lo lắng, khi nghe đến tin xấu!"

Sự vui mừng là một của cải rất quí báu cho đời sống. Biết bao nhiêu người tuy có đầy đủ của cải vật chất bên ngoài, nhưng đời sống tâm linh bên trong chưa thật sự có sự bình an và vui mừng, chưa tìm được ý nghĩa thật cho cuộc sống này. Điều rất lạ đó là thường những người giàu có và nổi tiếng lại là những người đang sống bất an, hay bị căng thẳng tinh thần, và đầy lo lắng. Thống kê cho biết hơn nửa số người đang nằm trong các nhà thương chữa bịnh cũng là do sự "căng thẳng tinh thần" (depression) gây nên, mà phần nhiều là vì lý do lo lắng quá sức, phần đông là những điều mà chưa chắc xẩy đến cho mình. Hay nói cách khác, nếu thiên hạ biết làm chủ những sự lo lắng trong đời sống, thì gần một nửa số người đang ở trong bệnh viện không cần phải đến đó. Quí vị cứ tưởng tượng nếu điều này được xảy ra thì sẽ giúp giảm tiền tổn phí đóng cho các chương trình bảo hiểm sức khỏe đến như thế nào? Sự lo lắng còn hay làm cho chúng ta ưa phàn nàn, trách móc, bất ơn mà phạm tội cùng Chúa. Trong lịch sử Cựu Ước, người Ysơraên bị Đức Chúa Trời phạt đi trong đồng vắng 40 năm, cũng vì thiếu sự tin cậy, nhưng hay phàn nàn trách móc Chúa. Trong Xuất Hành 15:23-25 có chép – “Kế đến đất Ma-ra, nhưng vì nước tại đó đắng, uống chẳng được, nên chi chỗ nầy gọi là Ma-ra. Dân sự bèn oán trách Môi-se rằng: Chúng tôi lấy chi uống? Môi-se kêu van Đức Giê-hô-va; Ngài bèn chỉ cho người một cây gỗ, người lấy liệng xuống nước, nước bèn hóa ra ngọt. Ấy tại đó, Đức Giê-hô-va định luật lệ cùng lập pháp độ cho dân sự, và tại đó Ngài thử họ.” Vừa ra khỏi Aicập và chính mắt họ đã chứng kiến quyền phép giải cứu của Đức Chúa Trời đi qua biển đỏ, nhưng họ mất lòng tin cậy ngay, không tìm cầu Chúa, mà lại oán trách, lằm bằm với người lãnh đạo.

Cuộc sống đầy dẫy những lo lắng buồn phiền chắc chắn sẽ cướp đi mất niềm vui trong đời sống của chúng ta. Anh chị em có bao giờ thấy ai đang lo lắng, phàn nàn, trách móc, mà sống vui vẻ, tích cực được không? Câu chuyện của một người nhà nông phàn nàn với Chúa là sao mùa gặt năm ngoái của mình toàn là những củ khoai nhỏ quá. Đến năm sau được mùa với những củ khoai rất lớn, thì lại mở miệng lằm bằm với Chúa là mình không có đủ khoai nhỏ để nuôi heo! Ngược lại, người có lòng biết ơn thì không hay phàn nàn, oán trách, nhưng luôn vui mừng vì nhận biết mọi phước lành Chúa ban cho đời sống của mình. Lòng biết ơn như một “trái trứng quí,” từ đó nó tự nhiên sanh ra sự vui mừng trong đời sống.

Làm sao nhận biết được một người tín hữu bước vào nhà thờ đang có tấm lòng biết ơn Chúa? Hai dấu hiệu rõ ràng: 1) Trên gương mặt của người đó bày tỏ gì, và 2) trong những hành động của họ làm gì. Thái độ họ hát thánh ca như thế nào? Có vui không, hay là gương mặt như đang đi đưa một đám ma? Một vị Mục Sư nổi tiếng có một thời ông hầu việc Chúa bị chán nản, suy kém tâm linh. Một ngày kia, vào một buổi sáng Chúa Nhật, bà vợ ở trên lầu đi xuống mặc toàn là đồ đen, kể cả đánh môi son cũng màu đen. Ông lấy làm ngạc nhiên hỏi “Tại sao hôm nay em lại mặc đồ đen thui vậy?” Bà trả lời: “Em đi đám tang!” Ông hỏi ngay: “Đám tang của ai mà anh không biết?” Bà vợ trả lời: “Đám tang của Chúa Giê-su!” Ông trả lời “Chúa Giê-su của chúng ta đã sống lại rồi, thì đâu còn tưởng niệm đến sự chết của Ngài nữa đâu!” Bà vợ trả lời: “Anh nói đúng rồi, nhưng đời sống của anh đang hầu việc Chúa như là Ngài còn nằm chết yên ở trong mộ vậy! Vì nếu Chúa thật đã sống lại rồi, thì sao mặt mày anh mỗi sáng Chúa Nhật thấy buồn rầu như vậy?” Có phải nhiều khi chúng ta đến nhà thờ để thờ phượng Chúa mà con người tâm linh của chúng ta cũng mặc toàn “đồ đen thui” giống như vậy, vì đầy những sự lo lắng, buồn phiền, thay vì đầy lòng cảm tạ Chúa trong sự vui mừng? Sự vui vẻ của cuộc sống bắt nguồn từ một tấm lòng biết ơn Chúa!

Lòng biết ơn là một điều lợi lớn trong cuộc sống, vì giúp một người làm chủ được lòng tham lam của cải và sự lo lắng, mà sống thỏa lòng và vui mừng trong tất cả những gì Chúa ban cho mình.
  
II. Nhớ Ơn Chúa

          Người có lòng biết ơn Chúa đương nhiên không thể quên được những gì Chúa đã làm cho mình. Có tối thiểu 2 điều chúng ta phải biết ơn Đức Chúa Trời.

1) Thứ nhất, là vì Đức Chúa Trời đã dựng nên mỗi người chúng ta, Đấng ban cho chúng ta sự sống mỗi ngày ở trên trái đất này. Rõ ràng trong Kinh Thánh, sách đầu tiên, câu đầu tiên trong Sáng Thế Ký 1:1 cho thấy – “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất.” Từ lúc ban đầu Đức Chúa Trời đã ban cho muôn loài sự sống. Có người đã nói mỗi ngày chúng ta phải biết cảm tạ ông Trời tối thiểu đến 30,000 lần; bởi vì trung bình một người hít vào và thở ra 30,000 lần mỗi ngày. Cứ tưởng tượng mình bị nín thở vài phút thì xem sao? Không khí trong lành chúng ta đang thở mỗi ngày từ đâu có? Do “ông Trời” ban cho. Ánh sáng ban mai từ đâu đến? Từ mặt trời trên cao rọi xuống. Tại sao tôm cá ở ngoài biển không bao giờ hết được? Ai đã nuôi nó cho chúng ta hưởng? Các mỏ dầu hỏa ở đâu ra, ai chế ra nó? Tất cả do Đấng Sáng Tạo ban cho mà thôi; con người không có gì hết! Có người đã sáng tác một câu thơ như sau: "Con chim nó hót trên cao; nếu Trời không có làm sao có mình?" để chứng minh gián tiếp về sự hiện hữu của ông Trời là Đấng ban sự sống cho tất cả mọi loài. Trong sách Công Vụ 17:24-28 - sứ đồ Phaolô làm chứng gì về Đấng Sáng Tạo với những triết gia ở thành Athên: “Đức Chúa Trời đã dựng nên thế giới và mọi vật trong đó, là Chúa của trời đất, chẳng ngự tại đền thờ bởi tay người ta dựng nên đâu... Ngài là Đấng ban sự sống, hơi sống, muôn vật cho mọi loài… Vì tại trong Ngài, chúng ta được sống, động, và có, y như xưa một vài thi nhân của các ngươi có nói rằng: Chúng ta cũng là dòng dõi của Ngài. Vì vậy mà trong Thi Thiên 150:6 tác gỉa mời gọi gì? “Phàm vật chi thở, (có sự sống) hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va! Ha-lê-lu-gia!” Mỗi hơi thở là bằng chứng của sự hiện hữu Đức Chúa Trời, Đấng Sáng Tạo.

2) Cảm tạ Chúa không phải vì chúng ta có sự sống mà thôi, nhưng tất cả những gì Ngài ban cho để duy trì sức sống cho chúng ta mỗi ngày. Chữ “tạ ơn” (thanksgiving) và chữ “mùa gặt” (harvest) thường đi đôi với nhau, vì mùa màng gặt hái mỗi năm được tốt tươi nhắc đến ơn phước của Trời ban cho mà biết tạ ơn. Kể cả những người nông dân Việt chất phát ngày xưa cũng ý thức điều này và thường nói: "Lạy Trời mưa xuống lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cầy, lấy đầy bát cơm, lấy rơm đun bếp..." vì chính ông Trời đã ban cho họ sức sống mỗi ngày. Trong lương tâm của con người… khi chúng ta nhìn lên một bầu trời vĩ đại, khi nhìn xung quanh thấy những tạo vật lạ lùng, và khi nhìn vào chính thân thể của mình đã được tạo dựng nên tinh vi thể nào, sự sống được duy trì một cách lạ lùng mầu nhiệm, thì thật phải phủ nhận rằng có một Đấng Sáng Tạo lạ lùng quyền năng, ban cho sự sống và duy trì sức sống mỗi ngày cho chúng ta. Tại sao con bò ăn cỏ, để con người có thịt bò ăn? Tại sao hơi nước bốc lên thành mây, để một lúc nào tụ lại thành mưa tưới mát cây cỏ làm thực vật cho loài người? Tại sao trái đất quay lo lửng trong không trung? Nếu ý thức được như vậy thì điều tự nhiên chúng ta cũng phải biết ơn Đức Chúa Trời là Đấng đã sáng tạo nên mọi loài vật, và ban cho chính mình sức sống ngày nay! Vì vậy mà tác gỉa trong Thi Thiên 14:1 đã khẳng định một lẽ thật: “Kẻ ngu dại nói trong lòng rằng: chẳng có Đức Chúa Trời.”

3) Trong Thi Thiên 103 Đavít kêu gọi mọi người phải biết tạ ơn Chúa vì những ân huệ Ngài ban cho. Câu 1 – Tác gỉa nhắc nhở yếu tố bắt nguồn của sự biết ơn Chúa phải từ tuốt sâu kín bên trong đáy lòng của mình, linh hồn mình, qua những chữ "ở trong ta," chứ không phải những gì ở bên ngoài, cách chúng ta ăn mặc, hay bởi những lời nói theo thói quen, trên đầu môi trót lưỡi mà thôi. Câu 2 – Đavít nhắc nhở chúng ta phải biết ơn Chúa trong mọi lúc, trong mọi cảnh ngộ chớ có quên những ân huệ Chúa ban cho mỗi ngày, mỗi phút. Không phải chỉ đợi đến ngày thứ Năm tháng 11 thôi thì mới liệt kệ ra những ân huệ của Chúa, nhưng là mỗi ngày không quên, luôn nhắc lại, đếm từng tên, kể từng điều, những ơn phước Chúa đã ban cho mình, gia đình và Hội Thánh của Chúa trong lời cầu nguyện của mình. Đavít nêu ra tối thiểu 6 điều thực tế chúng ta phải biết cảm tạ Chúa sau đây:

a) Câu 3 - Thứ nhất, lời của Đa-vít nhắc chúng ta biết ơn Chúa “ấy là vì Ngài tha thứ các tội ác ngươi.”  Điều đầu tiên Đa-vít ca ngợi cảm tạ Chúa là vì Ngài đã tha thứ các tội ác của mình. Đa-vít trước kia phạm những tội rất nặng, đó là tội tà dâm/ngoại tình, và giết người. Ngày nay, chúng ta cũng phải biết tạ ơn Chúa vì Ngài tha thứ những tội ác của hết thảy chúng ta, bằng cách đã sai Chúa Giê-xu đến thế gian, chết trên thập tự giá, đổ huyết chuộc tội cho mỗi chúng ta. Bởi dòng huyết của Con Ngài đã rửa sạch tất cả các tội lỗi của chúng ta, mà không có chủ giáo nào từ trước đến nay có thể làm được. Trong sách Êsai 1:18 nói rõ quyền phép tha tội này của Chúa – “Dầu tội các ngươi như hồng điều, sẽ trở nên trắng như tuyết; dầu đỏ như son, sẽ trở nên trắng như lông chiên.”

b) Câu 3b - Thứ hai, chúng ta biết ơn Chúa vì Ngài “chữa lành mọi bệnh tật ngươi.” Có vô số người hay nói: “Khi bị bệnh, tôi đi bác sĩ, và bác sĩ chữa bệnh cho tôi, chứ Đức Chúa Trời có làm gì đâu?” Nhưng chúng ta phải tin rằng Đức Chúa Trời dùng thuốc men, dùng bác sĩ, để chữa lành bệnh hoạn trên thế gian này. Nhưng Đa-vít đang nói chuyện với linh hồn của mình, và điều Chúa đã chữa bệnh tật cho mình đây không phải chỉ cho phần thuộc thể thôi, nhưng liên hệ cả phần tâm linh nữa. Đavít không chỉ cám ơn Chúa là Ngài tha thứ tất cả tội lỗi của chúng ta thôi, nhưng còn cám ơn Chúa đã phục hồi, chữa lành lại địa vị công bình, xứng đáng được làm con cái của Đức Chúa Trời và được “gần gũi” lại với Chúa. Kinh Thánh dạy là trước khi tin Chúa, chúng ta là những người đã chết, chết về vấn đề thuộc linh; Nhưng khi Chúa đến trong tâm hồn chúng ta, Đức Thánh linh ngự vào lòng chúng ta, linh hồn chúng ta trổi dậy, có một mối liên hệ mới, một năng sức sống mới, một sức khỏe tâm linh mới, một đường hướng mới, và bây giờ bắt đầu nẩy nở những bông trái Đức Thánh Linh, đó là tình yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, và tiết độ.

c) Câu 4 - Thứ ba, chúng ta biết ơn Chúa vì “Ngài cứu chuộc mạng sống ngươi khỏi chốn hư nát.”  Từ khi Ađam và Êva đã trở nên 2 người tội nhân đầu tiên, sự đoán xét của tội lỗi từ đó bắt đầu “xen” vào đời sống của mọi người, làm cho “mọi người” hết thảy đều đã trở nên là những tội nhân, từ Ađam cho đến người cuối cùng sanh ra trên đất. Trong Rôma 5:12 có chép – “… Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội.” Sứ đồ Phaolô cũng đã khẳng định về hậu quả “lây ra” này của tội lỗi trong Rôma 6:23a như sau – “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết...” Vì Ađam đã vi phạm nghịch mạng lệnh của Đức Chúa Trời và trở nên một tội nhân, nên cả dòng dõi của loài người hết thẩy đều là tội nhân, và chờ đợi sự phán xét đó là bị hủy diệt trong hồ lửa địa ngục, chỗ tối tăm, nghiến răng đau đớn, và sâu bọ chẳng hề chết, vì Đức Chúa Trời là Đấng chí thánh, công bình, thì không thể xem tội lỗi như là vô tội được! “Chốn hư nát” đây chính là hỏa ngục, là nơi mỗi người chúng ta xứng đáng bị phạt, nhưng Chúa nhơn từ đã hy sinh chính Con Ngài, trả gía tội lỗi để chuộc chúng ta lại cho Ngài mà thoát khỏi chốn hư nát này. Cái “pay check” chúng ta đáng lãnh chính là hỏa ngục, chỗ hư nát đời đời, thì Chúa lại ban cho chúng ta sự sống đời đời trên thiên đàng một ngày.

d) Câu 4b - Thứ tư, chúng ta biết ơn Chúa vì “Ngài lấy sự nhơn từ và sự thương xót mà làm mão triều đội cho ngươi.” Không những Chúa đã tha tội cho chúng ta, đem chúng ta ra khỏi nơi hư nát, nhưng Ngài lại còn đội cho chúng ta một cái mão, gọi là sự nhân từ và thương xót. Cái mão giống như phần thưởng huy chương vàng, tượng trương cho một cái gì vinh quang nhất. Một người đội mão chứng tỏ địa vị và phần thưởng Chúa ban cho người đó bởi sự thương xót của Ngài. Chỗ đứng/địa vị của chúng ta không còn là những kẻ tội nhân nữa, nhưng là con cái của Đức Chúa Trời, chúng ta sống không còn như thiên hạ, nhưng có sự trông cậy nghĩa là chờ đợi sự hiện đến của Chúa để nhận mão vương của sự sống đời đời, bởi sự nhân từ và sự thương xót của Chúa bao phủ chúng ta.

e) Câu 5a - Thứ năm, chúng ta biết ơn Chúa vì “Ngài cho miệng ngươi được thỏa các vật ngon.” Ở bên Mỹ này, một đất nước giàu có, Chúa cho chúng ta biết bao nhiêu là những vật ngon miệng. Không phải vậy thôi, Ngài còn ban phước cho chúng ta thưởng thức được những vật ngon miệng, và đó phải là điều chúng ta luôn cảm tạ Chúa. Má tôi sau khi ăn cơm tối thường hay thốt lên một câu đó là “Cảm tạ Chúa mình còn được ăn ngon miệng.” Má tôi nói hoài cho đến một lúc tôi nói giởn với gia đình là trên mộ bia của má một ngày chắc phải khắc câu nói này. Có biết bao nhiêu người đang có tất cả, muốn mua món ăn gì cũng được, nhưng lại không ăn ngon miệng được.

f) Câu 5b - Thứ sáu, chúng ta biết ơn Chúa vì Ngài phục hồi lại “tuổi đang thì trở lại như của chim phụng-hoàng.” “Chim phụng hoàng” chính là “chim đại bàng,” là loại chim có tầm vóc lớn, sức mạnh bay được cao và xa, và tác giả nói Chúa cho mình “trẻ lại” phục sức lại giống như chim đại bàng. Ngày xưa mình sống không có Chúa là một đời sống trống vắng, hay than vãn, dễ chán nản, dễ bực mình, hay gây gỗ, tranh dành, cãi cọ, sống lê thê với những điếu thuốc, những lá bài, six-pack beer, những cuộn phim chưởng, bị xiềng xích như một người nô lệ, tù tội vào những hình ảnh ô dâm, như một người chờ chết, nhưng bây giờ Chúa ban lại cho một sức mạnh mới, đời sống có ý nghĩa, có mục đích, có sự trông cậy của nước thiên đàng, sống hăng hái, đầy nỗ lực như hồi còn là một người trẻ vậy, để hầu việc Chúa trong sự vui mừng.
  
III. Bày Tỏ Lòng Biết Ơn Chúa

1) Điều hay nhất để chúng ta có thể bày tỏ lòng biết ơn Chúa đó chính là dâng sự ngợi ca và thờ phượng Đức Chúa Trời. Sự tạ ơn trong lòng luôn đi đôi, bày tỏ ra ngàoi bằng sự ngợi khen; hay nói ngược lại, chúng ta chưa biết ngợi khen Chúa vì trong lòng chưa có sự biết ơn Ngài. Nhớ sự kiện Chúa Giê-su chữa lành 10 người phung, nhưng chỉ một người phung là người Samari được chữa lành trở lại cảm tạ Chúa qua hành động gì có chép trong Luca 17:17-18? “Đức Chúa Jêsus bèn cất tiếng phán rằng: Không phải mười người đều được sạch cả sao? Còn chín người kia ở đâu? Chỉ có người ngoại quốc nầy trở lại ngợi khen Đức Chúa Trời ư!” Thi Thiên 100:4 giúp cho chúng ta thấy sự cảm tạ đi đội với lời ngợi khen, chúc tụng Chúa – “Hãy cảm tạ mà vào các cửa Ngài, Hãy ngợi khen mà vào hành lang Ngài. Khá cảm tạ Ngài, chúc tụng danh của Ngài.” Bạn nói mình biết ơn Chúa mà xem thường buổi nhóm thờ phượng, ngày thánh thì bạn là người đã dối lòng mình rồi, lời nói của bạn chẳng có gía trị gì hết!

a) Khi chúng ta hát ca ngợi và thờ phượng Ngài chính là lúc chúng ta tôn cao danh Chúa, bày tỏ sự vui mừng của mình có trong Chúa, và cảm tạ Ngài với tất cả những ơn phước mà Ngài đã ban cho chúng ta trong Con Ngài là Cứu Chúa Giê-su Christ. Chẳng hạn như tác gỉa trong Thi Thiên 100:5 tác gỉa tuyên bố gì về Chúa của mình? “Vì Đức Giê-hô-va là thiện; sự nhân từ Ngài hằng có mãi mãi, Và sự thành tín Ngài còn đến đời đời.” Chúa là thiện nghĩa là Ngài là Đấng Tốt Lành, mới dựng chúng ta nên giống hình ảnh của Chúa với mục đích cho chúng ta được hưởng nước của Ngài đời đời. Chúa là nhân từ cho nên ngày hôm nay mình còn sống, và tương lai không bị đi vào “chốn hư nát” mà lại được sự sống đời đời. Chúa thành tín vì Ngài giữ lời hứa của Ngài, mà đã ban cho nhân loại Đấng Cứu Thế đến thế gian. Một trong những hành động thực tế nữa để chúng ta tôn cao danh Ngài là hát ngợi khen Chúa với cả tấm lòng và trái tim của mình. Chia xẻ một câu chuyện của một người giáo sĩ trẻ tên Jack Hinton lần đầu tiên đi truyền giáo ở hòn đảo Tobago. Nhân mùa lễ Tạ Ơn, anh hướng dẫn buổi thờ phượng trong một thuộc địa của những người cùi và anh có hỏi những đám người ngồi đó xem họ muốn bài hát thánh ca nào không? Thì có một người đàn bà ngồi hướng ngược lại khỏi đám đông, bà quay lại. Người đàn bà này là một người cùi mà 2 cái tai và lỗ mũi đã bị cùi mất hết, kể cả môi của bà cũng gần như không còn nữa, cùng một lúc bà giơ tay lên mà không còn một ngón nào nữa, vì đã bị bịnh cùi phá hủy thân thể mình, bà nhỏ nhẹ lên tiếng: “Chúng ta có thể hát bài “Hãy đếm các ơn phước Chúa ban,” (Count your blessings) là bài thánh Ca số 386 trong sách Hymnal của Báptít. Nhà giáo sĩ trẻ Jack Hinton không thể cầm lòng được mà phải bước ra ngoài, và anh nói từ ngày đó cứ mỗi lần đến lễ Tạ Ơn khi hát những bài Cảm Tạ, anh không còn hát với một thái độ như thường lệ nữa, nhưng với hết cả tấm lòng của tất cả những ơn phước Chúa đã và đang ban cho mình. Đức Chúa Trời yêu thích khi Ngài nghe những lời ca ngợi, tiếng hát trổi lên để thờ lạy Ngài, và đó chính là mục đích đời đời mà tại sao Ngài đã dựng nên muôn loài từ lúc ban đầu.

b) Trong sự thờ phượng, chúng ta cũng kể ra những gì Chúa đã làm cho mình. Tác gỉa Thi Thiên 46:1 kể ra gì về Đức Chúa Trời của mình? “Đức Chúa Trời là nơi nương náu và sức lực của chúng tôi, Ngài sẵn giúp đỡ trong cơn gian truân.” Mỗi khi kẻ thù tấn công chúng ta, mình có chỗ nương náu vững chắc. Thi Thiên 118:6 – “Đức Giê-hô-va binh vực tôi, tôi chẳng sợ; Loài người sẽ làm chi tôi?” Mỗi lần quỉ satan lên án tội lỗi của chúng ta mà mình đã ăn năn, là mỗi lần Chúa Giê-su lại bênh vực cho chúng ta bằng chính huyết của Ngài.

c) Bảy tỏ lòng biết ơn Chúa trong sự dâng hiến. Sự dâng hiến của lễ không phải là vì Đức Chúa Trời cần của dâng của chúng ta. Thi Thiên 24:1 – chép gì? “Đất và muôn vật trên đất, Thế gian và những kẻ ở trong đó, đều thuộc về Đức Giê-hô-va.” Nhưng của lễ dâng là “phương tiện” Chúa cho, để chúng ta bày tỏ lòng biết Ngài. Anh chị em có biết Chúa rất thường hay thử đức tin và lòng biết ơn của chúng ta qua sự dâng hiến của mình không? Không phải bao nhiêu tiền mình dâng mà thôi, nhưng thái độ dâng hiến như thế nào, có so sánh với mọi người mà tự mãn, có cảm thấy như một gánh nặng, có thấy tiếc của không?

2) Không phải chỉ bày tỏ lòng biết ơn Chúa khi nhận được những ơn phước mà thôi, nhưng còn phải cảm tạ Chúa, ghi nhận cho dù có những lúc khó khăn trong đời sống, vì đó cũng là cơ hội để rèn luyện tấm lòng biết ơn Chúa của mình. Êphêsô 5:19-20 – “Hãy lấy ca vịnh, thơ thánh, và bài hát thiêng liêng mà đối đáp cùng nhau, và hết lòng hát mừng ngợi khen Chúa. Hãy thường thường nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, vì mọi sự tạ ơn Đức Chúa Trời, là Cha chúng ta.” Những chữ “thường thường và mọi sự” nhắc chúng ta phải luôn luôn cảm tạ Chúa trong mọi cảnh ngộ, dù cho thuận hay nghịch cảnh đi nữa. Nếu câu chuyện “người con trai hoàng đàng” mà Chúa Giê-su đã một lần kể trong Luca 15 có thật, thì tôi tin rằng người con trai đó sau này sống luôn cảm tạ Chúa cho “cái chuồn heo” là nơi mà Chúa đã cho phép xảy ra trong đời sống của anh, để anh biết tỉnh ngộ mà quay trở về nhà Cha, nếu không thì anh đã bị tiêu đời rồi! Qua những khó khăn, sự sửa phạt, những bài học “đau thương” trong cuộc sống mà đã giúp chúng ta biết bao nhiêu lần “tỉnh ngộ,” biết hạ mình, biết quay đầu trở lại nhờ cậy, được Chúa giải cứu và biết ơn Chúa; nếu không chúng ta đã lọt hố sâu chết mất rồi! Cứ mỗi lần đến lễ Tạ Ơn, tôi nhớ hoài bài hát “Ca Khúc Tạ Ơn Tôn Vinh” của nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm có câu như sau: “Xin tạ ơn Chúa ban cho tôi một đời tự do. Xin tạ ơn Chúa ban cho tôi ngày tháng lao tù. Xin tạ ơn Chúa dù đường đời có lúc gian truân để dọn lòng sám hối ăn năn.Khi nào là lúc chúng ta thường tìm kiếm, ăn năn và nhờ cậy Chúa nhiều hơn, có phải khi thịnh vượng thành công, hay là thường khi gặp phải những tai họa và thử thách? Có người nói rất đúng: “When you lie flat on your back, the only way to look is UP.” Tạm dịch là – “Khi chúng ta đau ốm mà phải nằm trên giường thẳng lưng ra, thì chỉ có một hướng nhìn thôi, đó là nhìn lên,” nói lên sự tìm cầu Chúa mà thôi, phải không, để rồi biết ơn và đầu phục Ngài.

Điều căn bản để có lòng biết ơn Chúa luôn là chúng ta có nhận biết sự hiện hữu có Đấng Sáng Tạo quyền năng và nhận biết tất cả mọi ơn phước chúng ta có ngày hôm nay là do chính Ngài ban cho không? Nếu không có niềm tin căn bản này thì làm sao mình bắt đầu sống với lòng biết ơn Chúa? Nhà văn hào nổi tiếng của Mỹ danh hiệu Mark Twain ngày xưa cũng là một người hài hước, thường thích châm chọc bạn bè, ai nghe chuyện vui ông cũng say mê. Có lần kia Mark Twain gặp một người thanh niên nói rằng anh biết có một cụ gìa chưa hề mỉm cười cho dù ai nói chuyện hài hước hay đến đâu đi nữa. Mark Twain thách với anh thanh niên này mời ông cụ đến dự buổi nói chuyện ngày mai thì ông có thể làm người đàn ông này sẽ bật cười. Ngay chiều hôm sau, chàng thanh niên và cụ gìa đó đến và được đặt ngồi vào dẫy ghế đầu. Mark Twain kể một loạt những câu chuyện hài hước, nhưng cụ gìa vẫn không nhếch miệng cười. Cuối cùng, Mark Twain rời bục, người ông mệt nhoài mà cụ gìa vẫn không cười. Ít lâu sau, Mark Twain kể lại câu chuyện cho người bạn thì người bạn đó mới cho biết là cụ gìa đó là một người đã bị câm điếc đặc nhiều năm rồi, cho nên không nghe được những mẫu chuyện cười của Mark Twain thì làm sao cười được? Câu chuyện nói lên một lẽ thật đó là chúng ta sẽ không thể nào cảm nhận được sự vui mừng tạ ơn được, không thể “mỉm cười” được, cho đến khi mắt, tai và lòng của chúng ta cảm nhận và nghe được tiếng Chúa phán cho chính mình; hay nói cách khác, chúng ta phải có lòng tin Chúa trước. Vì nếu lòng của chúng ta chưa trước hết nhận biết Đức Chúa Trời có thật, và nhận biết tất cả những ơn phước lành mình hưởng là do Ngài ban cho, thì làm sao chúng ta có một tấm lòng biết ơn, mà từ đó sẽ “đẻ” ra sự vui mừng, thỏa lòng, bình an, và ý nghĩa cho đời sống này, phải không? Bạn có mong tìm được những của báu này không? Hãy lấy cả đức tin, cả linh hồn của mình đến nhận biết và tin cậy Đức Chúa Trời, qua Con Ngài là Cứu Chúa Giê-su, và hết lòng sống biết ơn Ngài ngay hôm nay!

LDPNG

Mùa Thu 2017