"Hễ ai nhận Ngài (Cứu Chúa
Giê-su), thì Ngài ban cho quyền phép trở nên làm con cái của Đức Chúa Trời, là
ban cho những kẻ tin danh Ngài"
(Giăng 1:12)
Mỗi khi mùa Thu
đến, khí hậu bắt đầu se lạnh, lại nhắc nhở mỗi người chúng ta về một mùa lễ
thật đầy ý nghĩa, đó là lễ Tạ Ơn (Thanksgiving). Tạ ơn là một cá tánh tự nhiên
mà ông Trời đã đặt trong lòng của loài người.
Nếu ai giúp đỡ mình một điều gì thì tự nhiên trong lòng chúng ta phát
xuất ra một tình cảm kính mến và nhớ ơn đặc biệt. Người Việt chúng ta có nhiều câu ca dao hay
tục ngữ để nói đến hai chữ “ơn nghĩa” như sau: "Cây có cội, nước có nguồn,
ăn trái nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ người đào giếng..." Câu ca dao này hầu như cũng gián tiếp nhắc
nhở thêm một điều, đó là giữa tình nghĩa của con người với nhau mà chúng ta còn
biết ơn, thì huống gì đối với Đấng Sáng Tạo, chúng ta lại không biết bày tỏ
lòng cảm tạ Ngài sao?
I. Hai Điều Cảm Tạ
Có hai điều
chính chúng ta cần cảm tạ Đức Chúa Trời.
Thứ nhất, chúng ta cảm tạ Thiên Chúa vì chính Ngài đã tạo dựng nên và
ban cho mỗi người chúng ta sự sống và sức sống hằng ngày. Có người đã nói mỗi ngày chúng ta phải cảm tạ
ông Trời đến 26,000 lần, bởi vì trung bình một người hít vào và thở ra 26,000
lần mỗi ngày. Cứ tưởng tượng mình bị nín
thở vài phút xem sao? Nắng mưa này ai đã
tạo ra và nếu không có những thứ này thì chúng ta sẽ ra sao? Có ai làm mặt trời lặn và mặt trời mọc theo
đúng chu kỳ của nó mỗi ngày được không?
Có ai ngăn cản được những cơn giông tố hay chúng ta chỉ biết bó tay và
than thở "trăm sự nhờ Trời" mà thôi?
Không phải những người nông dân Việt chất phát cũng đã thường nói:
"Lạy Trời mưa xuống lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cầy, lấy đầy bát cơm,
lấy rơm đun bếp..." vì chính Chúa đã ban cho họ sức sống mỗi ngày
sao?
Điều thứ hai, chúng ta cũng cần cảm tạ Chúa vì
chính Ngài đã ban sự cứu rỗi không điều kiện cho chúng ta trong Cứu Chúa
Giê-su, Con Ngài. Sách Kinh Thánh Rôma 5:8 có chép rõ đến ơn đẹp
này: "Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu
thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ
vì chúng ta chịu chết." Mọi
người đều là tội nhân trước mặt Thiên Chúa, vì chúng ta đã sanh ra từ dòng dõi
của hai kẻ tội nhân đầu tiên là Ađam và Êva, đến khi khôn lớn mỗi người chúng
ta đã tự đi theo ý riêng của mình, nghịch lại cùng những điều răn của Ngài và
không làm trọn những điều lành. Vì Đức Chúa Trời là Đấng Công Bình trọn vẹn nên
Ngài phải đoán xét loài người vì Chúa không thể xem tội lỗi như là điều hư
không được. Nhưng Thiên Chúa còn là Đấng yêu thương nữa mà đã bằng lòng hóa
thân làm Người, để chết đổ huyết trên cây thập tự, chuộc tội thay thế cho mỗi người
chúng ta, ban cho sự cứu rỗi như một món quà không điều kiện. Không phải ơn đẹp của Chúa cứu chúng ta thoát
khỏi sự đoán xét trong lửa địa ngục mà thôi, nhưng quyền năng của ơn đó còn
thánh hóa chúng ta trở nên thành chính con cái của Ngài nữa, như chính Chúa đã
hứa: "Hễ ai nhận Ngài (Cứu Chúa
Giê-su), thì Ngài ban cho quyền phép trở nên làm con cái của Đức Chúa Trời, là
ban cho những kẻ tin danh Ngài" (Giăng
1:12).
II. Ẩn Dụ Chiên Lạc Mất
Có lẽ sự kiện
Thiên Chúa đã một lần giáng thế làm Người cứu chuộc nhân loại là một điều thật
khó hiểu vì ông Trời quá vĩ đại thì làm sao có thể "bị thu nhỏ lại"
mà đến trần thế để làm việc này được?
Nếu Chúa là Đấng toàn năng, sao Ngài không "búng tay" thì mọi
người đều sẽ được sự cứu rỗi lên thiên đàng ngay? Ngày xưa, người ta cũng không thể hiểu được sự
mầu nhiệm này, cho dù họ đã có những lời Tiên Tri trong Kinh Thánh Cựu Ước về
Đấng Cứu Thế sẽ phải đến, vì vậy khi còn sống trên đất Chúa Giê-su đã một lần
dùng ẩn dụ "Chiên lạc mất" để dạy dỗ lẽ mầu nhiệm này. Ẩn dụ này đã được ghi chép lại trong sách
Kinh Thánh Phúc Âm Luca 15:3-7
như sau: "Trong các ngươi ai là
người có một trăm con chiên, nếu mất một con, mà không để chín mươi chín con
nơi đồng vắng, đặng đi tìm con đã mất cho kỳ được sao? Khi đã kiếm được, thì
vui mừng vác nó lên vai; đoạn về đến nhà, kêu bạn hữu và kẻ lân cận, mà rằng:
Hãy chung vui với ta, vì ta đã tìm được con chiên bị mất." Mỗi một ẩn dụ Chúa dùng đều có những nhân vật
chẳng hạn như "Người chăn" ở đây biểu hiệu chính là Chúa Giê-su, còn
"chiên lạc mất" biểu hiệu cho mỗi người chúng ta là những kẻ tội nhân
mà Chúa đang tìm kiếm để đem về lại nước thiên đàng. Ẩn dụ này nói lên lẽ thật về tình yêu của
Thiên Chúa đã được bày tỏ một cách cụ thể như sau:
1. Loài Người Thuộc của Chúa - Thứ
nhất, như người chăn đi tìm chỉ một chiên lạc của mình vì nó có giá trị tương
đương như 99 con kia, thì Thiên Chúa cũng đã đến thế gian để tìm và cứu mỗi
người chúng ta. Như người chăn đi tìm
chiên lạc vì nó thuộc của mình, thì Chúa cũng đi tìm mỗi người chúng ta vì
chúng ta thuộc của Ngài. Trong sách Kinh
Thánh Sáng Thế Ký đoạn 2 chép rõ, từ lúc ban đầu, Thiên Chúa đã dựng nên loài
người giống hình ảnh và có sanh khí của Ngài là phần linh mà không có loài nào
có hết. Linh hồn của mỗi người chúng ta
có giá trị đời đời đối với Chúa và thuộc của Ngài; chúng ta không phải là những
cái lon lủng, hay miếng giẻ rách vô gía trị.
Trong cuộc đời của bạn, bạn có bao giờ đã đánh mất một thứ gì quí giá
chưa? Cách đây nhiều năm, tôi bị mất
chiếc xe hơi trị giá khoảng 4,000 đô-la; sau khi biết được, tôi đã bỏ cả ngày
cố gắng đi tìm nó và nhờ đến cảnh sát giúp đỡ, vì biết đây không phải là một món
đồ chơi tầm thường. Nếu bạn mất một đứa con của mình, bạn sẽ làm gì? Tôi chắc
chắn bạn sẽ sẵn sàng ngừng tất cả mọi việc để kiếm cho ra con mình. Nếu như vậy
tại sao chúng ta lại không hiểu rằng ông Trời phải đến thế gian để tìm và cứu
chúng ta vì chúng ta thật quí giá và thuộc của Ngài sao?
2. Con Người Hư Mất - Thiên Chúa đi
tìm và cứu con người vì chúng ta như chiên đã đi lạc mất. Bản năng của con người thì hay từ chối Đấng
đã tạo dựng nên mình, tuy rằng người ta thường nói trên môi "Trời sinh
voi, Trời sinh cỏ" và đụng một chút thì kêu "Trời ơi!" Nhưng thử
hỏi ngày nay có mấy ai đang thật sự thờ Trời, hay hầu hết đi thờ những vật thọ
tạo mà ông Trời đã dựng nên? Như người
chăn không bỏ chiên lạc của mình vì biết rõ sự yếu đuối và bất lực của nó trước
những thú dữ, thì Thiên Chúa cũng không bỏ chúng ta. Thiên Chúa biết mỗi người chúng ta không thể
nào làm trọn công việc tu tỉnh, ép xác, làm lành, bố thí để có đủ điều kiện về
Thiên quốc, nên chính Ngài đã rời bỏ Thiên cung, "ra đi" tìm và cứu
chúng ta. Có một Mục Sư (MS) kia, sau khi giảng về ẩn dụ "Chiên lạc
mất" thì có một em thiếu niên dơ tay lên và nói với MS là ẩn dụ này đã
nhắc đến tên của em. Vị MS hỏi:
"Con tên gì?" Em thiếu niên
trả lời tên là Edith. MS nói: "Xin
lỗi con nhé, trong Kinh Thánh không có ai tên Edith hết." Em thiếu niên trả lời: "Có mà, khi MS
nói đến con chiên lạc đó, ấy chính là Edith." Điều đáng buồn nếu mỗi chúng ta hiểu được ẩn
dụ về "Chiên lạc mất" mà lại không nhận biết chính mình là con chiên
lạc đó và Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế, là người chăn đi tìm để cứu linh hồn
chúng ta. Thật đúng như một người đã
nói: “Chúng ta không có ánh sáng mặt Trời, không phải vì mặt Trời không còn rọi
chiếu ánh sáng nữa, nhưng vì chính chúng ta đã tự nhắm mắt lại,” nghĩa là từ
chối "Ơn Cao Sâu" của Chúa mà thôi.
3. Thiên Chúa Đích Thân Cứu Con Người
- Như người chăn trong ẩn dụ đã đích thân đi tìm chiên lạc của mình, không sai
một ai đi thế, thì chính Thiên Chúa cũng đã đích thân trà trộn, trở thành
Người, gần gũi, để rồi chết đổ huyết trên thập tự giá chuộc tội cho chúng ta,
hầu cho hễ ai bằng lòng tin Ngài, thì có đủ điều kiện trở về với "Cội
Nguồn." Có lẽ điểm khác biệt chính giữa tôn giáo và đạo Chúa Giê-su đó là
tôn giáo thường dạy con người phải tự sức mình, dùng công đức riêng, qua những
việc thiện lành để hy vọng một ngày có đủ điều kiện lên đến được “đỉnh
núi.” Nhưng ngược lại, Đạo Chúa Giê-su
thì dạy chính Chúa đã tự đi tìm mỗi chúng ta vì chính Ngài là "Đường Đi, Lẽ Thật và Sự Sống,"
không qua Chúa Giê-su thì chẳng ai có thể về được cùng Đức Chúa Trời chí cao và
chí thánh (Giăng 14:6).
4. Niềm Vui của Thiên Chúa - Như
người chăn khi tìm được chiên lạc của mình, vác nó trên vai và vui mừng không
siết kể thì niềm vui của Thiên Chúa cũng là khi thấy một người hiểu và bằng lòng
ăn năn tin nhận Con một của Ngài làm Cứu Chúa của mình. Trong Kinh Thánh Hêbêrơ 12:2 có chép: "Nhìn
xem Đức Chúa Giê-su, là cội rễ và cuối cùng của đức tin, tức là Đấng vì sự vui
mừng đã đặt trước mặt mình, chịu lấy thập tự giá, khinh điều sỉ nhục, và hiện
nay ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời."
Niềm vui của Chúa Giê-su là khi Ngài trút linh hồn, làm trọn công cuộc
cứu rỗi trên thập tự giá, vì nhờ đó mà con người mới có được một lối thoát,
được đủ điều kiện để trở về với Đức Chúa Trời.
Có một vị MS kia thấy một đám con nít chơi trước cửa nhà mình và có một
em bé thiếu niên gái cõng sau lưng một đứa bé trai. Lạ một điều là đứa bé gái này chơi gì đi nữa,
cò cò, tạt lon, chạy nhảy, lúc nào cũng cõng đứa bé trai trên lưng. Vị MS bèn đi ra và hỏi: "Sao con cõng
thằng bé hoài làm gì vậy, để nó xuống mà chơi cho thoải mái hơn, bộ không thấy
mệt sao?" Đứa bé gái trả lời:
"Thưa ông! con không thấy mệt gì cả, là vì đứa bé này là em của con."
Như người chăn vui mừng vác chiên lạc của mình trên vai, niềm vui của Thiên
Chúa đó khi chính Ngài được cõng chúng ta trên vai đem về nước thiên đàng, mà
chẳng thấy mệt mỏi gì cả.
III. Chúa luôn Cõng Chúng Ta
Một điều nữa
chúng ta cũng nên cảm tạ Chúa nhân dịp lễ Tạ Ơn, đó là sự thành tín của Ngài.
Sách Thi Thiên 100:4-5 có
chép: "Khá cảm tạ Ngài, chúc tụng
danh của Ngài. Vì Đức Giê-hô-va là thiện; sự nhơn từ Ngài hằng có mãi mãi, và
sự thành tín Ngài còn đến đời đời."
Như người chăn chiên hiền lành luôn bảo vệ và chăm sóc đàn chiên của
mình, Thiên Chúa sẽ chẳng hề bỏ con cái của Ngài, nhưng sẽ luôn ở với chúng ta
cho đến tận thế. Bài văn
"Footprints in the Sand" sau đây của một tác giả vô danh, hy vọng sẽ
bày tỏ phần nào sự thành tín của Chúa: “Có một đêm tôi nằm mơ thấy tôi cùng
Chúa Giê-su đi bộ trên một bờ biển. Trên
bầu Trời phản chiếu hình ảnh của cuộc đời tôi đang cùng được đi với Chúa. Tôi
thấy có hai dấu chân trên cát, một dấu chân của tôi và một dấu chân của
Chúa. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên là
đôi lúc tôi chỉ thấy có một dấu chân thôi.
Còn ngạc nhiên hơn nữa đó lại là những lúc buồn rầu, đau khổ và thất
vọng nhất trong đời tôi. Tôi hỏi Chúa: "Lạy Chúa, Ngài đã nói với con, khi
con tin quyết đi theo Ngài, thì Ngài sẽ không bao giờ bỏ con; nhưng sao trong
đời con, khi con đau khổ nhất, chán nản nhất thì lại chỉ thấy có một dấu chân
thôi? Con không hiểu tại sao khi con cần Chúa nhất thì Ngài lại không ở bên
cạnh con?" Tôi nghe tiếng Chúa
Giê-su nhơn từ đáp: "Hỡi con yêu dấu của Ta! Ta không bao giờ lìa bỏ con
đâu, kể cả những lúc con gặp hiểm nguy nhất.
Khi con thấy một dấu chân, đó chính là lúc Ta cõng con trên lưng
Ta."
Ý của Thiên Chúa
là Ngài không muốn một người nào bị hư mất trong hồ lửa địa ngục, cho dù chỉ có
một con trong số 100 con chiên. Vì thế Thiên Chúa đã đích thân đến từ Trời để
tìm và cứu bạn, nếu bạn bằng lòng ăn năn tội và tiếp nhận Con Ngài là Cứu Chúa
Giê-su. Nhà truyền giáo Billy Graham đã
một lần nói: "Lời Chúa giống như ánh sáng mặt Trời chiếu xuống, sức nóng
của nó sẽ làm cho ‘sáp’ chảy ra, nhưng cùng một lúc sẽ làm cho đất sét cứng
lại." Mong tấm lòng của bạn được "mềm dẻo" để sẵn sàng tiếp nhận
Cứu Chúa Giê-su. Chỉ có một cách duy
nhất để một người có đủ điều kiện "trở về với Cội Nguồn" đó là bắt
đầu tìm cầu Chúa Giê-su, Con Trời, và bằng lòng để Ngài "cõng" mình
trên vai của Chúa. Thật mong bạn tìm
được sự bình an trong mùa lễ Tạ Ơn năm nay và đời sống bạn sẽ luôn bày tỏ lòng
cảm tạ Chúa vì "Ơn Cao Sâu" Ngài đã ban cho mỗi người chúng ta trọn
vẹn trong Cứu Chúa Giê-su, Con Ngài.
Mục Sư Nguyễn trọng Vinh
LDPNG
Mùa Thu 2017