Sunday, December 9, 2012

CHÚA BÌNH AN - Lu-ca 2:10-14

(Trích từ BẢN TIN số 7 của ldng)
Chúng ta ở trong mùa Giáng Sinh, nhiều người đặt câu hỏi: “Tại sao Lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12 mỗi năm?” Theo sử liệu thì đây là ngày mà người La-mã xưa dùng để ăn mừng “Thần Mặt Trời,” đã đem ánh sáng đến cho trần gian. Vào thời đó, đạo của Chúa chưa được chính quyền của đế quốc La-mã công nhận là tôn giáo hợp pháp. Mãi cho đến đầu thế kỷ thứ tư, Cơ Đốc Giáo mới bắt đầu tổ chức ăn mừng Lễ Giáng Sinh của Chúa Giê-su mỗi năm một lần, để nhớ ơn Chúa đã đem ánh sáng và sự sống đến cho nhân loại, và cũng được tổ chức vào ngày 25 tháng 12, cùng ngày với người La-mã ăn mừng “Thần Mặt Trời,” để không bị chính quyền đế quốc La Mã cấm đoán. Đến năm 312, Hoàng Đế La-mã là Constantine Đệ Nhất đã bỏ đa thần giáo và theo Cơ Đốc Giáo, ông ra lệnh hủy bỏ ngày ăn mừng “Thần Mặt Trời,” thay vào đó là ngày ăn mừng sự giáng sinh của  Chúa Giê-su. Vào năm 354, Giáo Hoàng Libêrô công bố ngày 25 tháng 12 là ngày chính thức cử hành Lễ Giáng Sinh của Chúa Giê-su, và truyền thống được duy trì cho đến hôm nay.      


     Trong đêm Chúa Giê-su vào đời, thiên sứ thông báo là “Sáng danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới đất cho người thiện tâm!” (Luca 2:14). Tại sao thiên sứ thông báo Chúa Giê-su đem bình an đến cho nhân loại? Vì con người đã bị chìm vào cuộc sống bất an, đang lâm vào tình trạng tuyệt vọng, chỉ còn chờ đợi Cứu Chúa mà thôi. Tìm đâu cuộc sống bình an, vui tươi, thỏa nguyện mà Chúa ban loài người. Chúa Cứu Thế Giê-su đã mang bình an từ thiên đàng xuống trần gian cho nhân loại hơn hai ngàn năm qua.

     Ngày nay, chúng ta có cuộc sống  bình an không? Sứ điệp bình an của Chúa có thật sự đi vào đời sống của chúng ta không?

1. Ý nghĩa của sự bình an là gì?  Bình an là trạng thái tâm hồn của con người, khi một người có sự bình an thì không quá lo lắng, không quá bồi hồi, không quá xúc động khi đối diện với bất cứ một hoàn cảnh nào, hay một nan đề nào trong cuộc sống. Do đó sự bình an là điều mà mọi người đang mong mỏi, đang tìm kiếm. Có lẽ anh chị em và tôi cũng mong có được sự bình an. Nhưng đâu là nguồn của sự bình an? Bài thánh ca “Sự Bình An” có lời: “Sự bình an mà ta ban cho tâm hồn. Là bình an mà trần gian luôn mong chờ. Lòng tươi vui, lòng an ninh con tìm đâu trong đời? Sống vui mừng, sống an hòa. Là bình an Ta ban cho lòng con.” Chúa Cứu Thế Giê-su đã phán: “Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi; ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi” (Giăng 14: 27). Đây là lời hứa của Cứu Chúa, nếu chúng ta thật sự yêu mến Lời Chúa, học Lời Chúa, nhớ Lời Chúa và sống theo Lời Chúa thì sẽ không bối rối và không sợ hãi.

     Người ta diễn tả khung cảnh của sự bình an như sau: Ngoài trời bão tố đang gào thét, đại dương đang dồn dập những ngọn sóng sau, đùa những ngọn sóng trước va chạm vào những gành đá, sấm chớp lóe lên, tạo ra một khung cảnh tối tăm và sợ hãi, nhưng trong hốc đá đó, có con chim rút đầu trong đôi cánh và ngủ thật ngon lành. Hình ảnh con chim nhỏ ngủ yên trong hốc đá, bên ngoài là bão tố phong ba, có phải là hình ảnh của chúng ta đang sống trong biển đời bất an này không? Thế giới chúng ta đang sống đối diện với nhiều nan đề: kinh tế toàn cầu suy sụp, nhà cửa mất giá, nhiều người thất nghiệp, khủng bố đe dọa khắp nơi, các băng đảng giết người hàng loạt, những cuộc chiến xảy ra, những thông tin bí mật giữa các nước bị lộ, gây thêm căng thẳng giữa các nước đồng minh, làm tổn hại nền hòa bình của thế giới. Sống trong thế giới bất an như vậy, chúng ta đang tìm kiếm điều gì?

Nhân thế vẫn vùi say trong giấc ngủ.

Mấy ai tìm Cứu Chúa để bình an.

Giòng vật chất phù hoa như gió thoảng.

Cuốn thuyền hồn, vào thế giới u mê.

Nhân loại vui vì Con Trời giáng thế.

Đem bình an phước hạnh đến mọi bề.

     Chuyện kể rằng: “Một vị vua treo giải thưởng cho họa sĩ nào vẽ được một bức tranh đẹp nhất về sự bình an. Nhiều họa sĩ đã cố công vẻ những bức tranh tuyệt đẹp, để thể hiện tài năng của mình. Sau khi những bức tranh được trưng bày để thi, vua ngắm xem, quan sát tất cả các bức tranh đó nhưng chỉ chọn lấy một. Trên bức tranh đó có những ngọn núi trần trụi và lởm chởm đá. Ở bên trên là bầu trời giận dữ đổ mưa như trút, kèm theo sấm chớp. Đổ xuống bên vách núi là dòng thác nổi bọt trắng xóa. Bức tranh này trông thật chẳng bình an chút nào. Nhưng, khi vua ngắm nhìn và thấy đằng sau dòng thác là một bụi cây nhỏ, mọc lên từ khe nứt của một tảng đá. Trong bụi cây một con chim mẹ đang xây tổ. Ở đó giữa dòng thác trút xuống một cách giận dữ đó, con chim mẹ đang bình thản đậu trên tổ của mình với các chim con. Vua nói: “Bình an thật sự. Ta chấm bức tranh này!” Vua công bố: “Sự bình an không có nghĩa là một nơi không có tiếng ồn ào, không khó khăn, không cực nhọc. Bình an có nghĩa là: Ngay chính khi đang ở trong phong ba bão táp, nhưng chúng ta vẫn cảm thấy sự yên tĩnh trong trái tim, và của một tâm hồn bình thản.  Đó mới chính là ý nghĩa thật của sự bình an".

2. Lời Chúc Giáng Sinh: Người Việt chúng ta thường chúc nhau: Chúc Mừng Giáng Sinh An Lành; người nói tiếng Pháp: Joyeux Noël; người nói tiếng Anh: Merry Christmas; người nói tiếng Tây Ban Nha: Feliz Navidad; người Đức: Frohliche Weihnachten; người Hàn Quốc: Sungtan Chukha; người Do Thái: Mo’adim Lesimkha; và lời chúc mừng Giáng Sinh dài nhất là người Afghanistan: De Christmas akhtar de bakhtawar au newai kal de Mubarak sha. Hầu hết lời chúc Giáng Sinh đều ước mong người được chúc có sự bình an. Từ ngữ bình an rất thông dụng cho người Việt chúng ta: thượng lộ bình an, năm mới bình an, ra trận bình an, vượt biên bình an, như hai câu thơ chúng ta thường nghe:

Chúc nhau hai chữ bình an.

Chúc nhau thịnh vượng giàu sang phát tài.

    Kinh Thánh có ghi lại câu chuyện: Sau khi Chúa Giê-su chịu chết đền tội cho con người, Ngài đã sống lại, hiện ra trò chuyện với hai môn đồ trên đường về làng Em-ma-út, rồi sau đó hiện đến với 11 môn đồ đang nhóm lại, lời đầu tiên Chúa phán: “Bình an cho các ngươi” (Luca 24:26). Tại sao Chúa đề cập đến bình an? Vì đó là nhu cầu cần thiết nhất cho các môn đồ, họ đang gặp khó khăn, bị bắt bớ bởi chính quyền La-mã, và nhất là người Giu-đa tìm mọi cách để tiêu diệt người nào theo Chúa Giê-su. Thời đại chúng ta đang sống cũng giống như thời các môn đồ ngày trước, cũng gặp khó khăn, bị bắt bớ, phải chiến đấu với những náo loạn, những áp lực trong đời sống, những ý thức bất khiết, những ý tưởng căm thù, ganh ghét đưa đến sự bệnh tật trong cơ thể và tâm linh. Lời chúc bình an là điều quan trọng nhất trong cuộc sống hiện tại. Làm sao có sự bình an khi lòng lo sợ chiến tranh trong đời, thiên tai, thất nghiệp khắp nơi? Hãy tìm gặp Cứu Chúa Giê-su, Chúa của bình an.

3. Nhận Chúa Bình An: Ý nghĩa của Lễ Giáng Sinh là để kỷ niệm sự ra đời của Đấng Cứu Thế, Ngài đã chết chuộc tội thay thế cho chúng ta và qua chính Ngài mối tương giao giữa chúng ta với Đức Chúa Trời được nối lại. Chúa Giê-su là Đấng Trung Gian giữa chúng ta với Đức Chúa Trời, là nấc thang cho chúng ta leo lên để gặp Chúa Cha. Chúa Giê-su đưa chúng ta từ đất lên trời. Vì vậy, chúng ta chỉ được bình an khi nào chúng ta có Chúa  Giê-su mà thôi. Mỗi năm chúng ta đều dự Lễ Giáng Sinh, nhưng chúng ta có thật sự được bình an trong tâm hồn không, hay vẫn còn lo âu, sợ hãi? Anh chị em có muốn sự vui mừng thay thế sự lo âu, sự thỏa lòng thay thế sự tham muốn không? Hãy đến với Cứu Chúa bằng tấm lòng ăn năn và nhận sự bình an, chắc chắn mùa Giáng Sinh năm nay sẽ khác với những mùa Giáng Sinh trước. Đúng với điều mà thiên sứ báo tin khi Chúa Cứu Thế Giê-su vào đời: Sáng danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm.

Lạy Thiên Chúa! Bao cuộc đời đen tối.

Xa cách Ngài lạc lối bước bơ vơ.

Lưng còng nặng dưới gông cùm tội lỗi.

Cõi đời sau khuất lấp áng mây mờ.

Đêm giáng thế tình yêu Ngài rộng tỏa.

Như ngàn sao tràn ngập ánh huy hoàng.

Soi sáng chốn Giê-su vừa giáng hạ.

Máng cỏ nghèo, hang lạnh buổi đông sang.

Nhân thế vẫn vùi say trong giấc ngủ.

Mấy ai tìm Cứu Chúa để quay về.

Đời vật chất phù hoa giòng thác lũ.

Cuốn thuyền hồn vào vực thẳm u mê.

Từ thiên đàng, Chúa giáng trần cứu thế.

Bắt nhịp cầu trời đất lại giao hòa.

Bóng thập tự chưa mờ trên núi Sọ.

Xin hiểu rằng huyết Chúa đổ vì ta.

Đêm giáng thế người chăn chiên tỉnh ngộ.

Đã dâng lời khẩn nguyện Chúa Ba Ngôi.

Cứu vớt kẻ trầm luân nơi bể khổ.

Ban phước lành và cuộc sống bình an.

     Cầu xin Chúa ban bình an cho mỗi nam giới trong Liên Đoàn chúng ta trong cuộc sống bất an nầy. 
MS Nguyễn Văn Bé
Hội Thánh Báp Tít Orlando, FL