Tuesday, December 17, 2013

ĐỨC CHÚA TRỜI Ở CÙNG CHÚNG TA

Biến cố 11/9 sẽ in mãi trong ký ức chúng ta. Trong buổi sáng kinh hoàng ấy chính mắt chúng ta đã chứng kiến cảnh hải hùng, khó tin nhưng thật sự.  Bọn khủng bố đã tấn công Trung Tâm mậu Dịch Thế Giới, Ngũ Giác Đài và làm nổ tung một phi cơ dân sự trên không phận của tiểu bang Pennsylvania, khiến hằng ngàn người thiệt mạng, thương tích đớn đau. Việc này đã làm chấn động suy nghĩ của nhiều người trên khắp thế giới vì sự an ninh, bảo đảm, an toàn và tự do của các quốc gia trên khắp thế giới bị đe dọa.  Việc này đã làm chấn động suy nghĩ của nhiều người vì sự an ninh, bảo đảm, an toàn và tự do của mọi quốc gia trên khắp thế giới bị đe dọa. 
     Câu hỏi được đặt ra là “Đức Chúa Trời ở đâu sao nở để cho cảnh khổ đau này xẩy đến?” Đây là câu hỏi không xa lạ lắm với nhân loại, nó được nhắc đi nhắc, lại trong từng giai đoạn lịch sử khi con người phải đối diện với khổ đau.
     2700 năm trước, khi thành Giê-ru-sa-lem của đất nước Giu-đa (Nam Quốc) bị vây hãm bởi Y-sơ-ra-ên (Bắc Quốc) và Sy-ri. Vua A-cha và dân sự người kinh động như cây trên rừng bị gió lây.  Có lẽ phút dó vua A-cha cùng quần thần đang suy nghĩ đến câu hỏi này.  Nhưng thay gì tìm cầu sự giải cứu nơi Đấng đã tạo dựng nên trời đất, thì vua lại suy nghĩ đến việc liên  minh với vương quốc hùng mạnh A-si-ri.  
Nhưng lời của Đức Chúa Trời đã đến với tiên tri Ê-sai mà rằng: Vua không nên kỳ vọng ở A-si-ri. Vì “này một gái đồng trinh sẽ chịu thay, sanh ra một trai, và đặt tên là Em-ma-nu-ên... Vả, trước khi con trẻ biết bỏ điều dữ chọn điều lành, thì nước của hai vua mà người đương ghét sẽ bị bỏ hoang” (Ê-sai 7:14, 16). Nhưng vua A-cha không tin lời Chúa hứa nên chịu án phạt là đất nước ông lần lược bị giầy đạp bởi A-si-ri và Ba-by-lôn. 
     Lịch sử không cho chúng ta biết rõ rệt về em bé Em-ma-nu-ên được sanh ra trong đời vua A-cha là người thế nào. Nhưng từ đó lời của Ê-sai về con trẻ Em-ma-nu-ên trở nên một lời hứa của Đức Chúa Trời cho dân sự Ngài về một Đấng giải cứu, Đấng Mết-si-a sẽ đến.

     700 năm trông đợi, yên lặng trôi qua. Rồi, lời của Ma-thi-ơ như một ngọn đuốc bừng lên trong đêm dài chờ đợi, nhắc nhở cho muôn dân về sự thành tín của Đức Chúa Trời. “...Thiên sứ của Chúa hiện đến cùng Giô-sép trong giấc chiêm bao, mà phán rằng: Hỡi Giô-sép, con cháu Đa-vít, ngươi chớ ngại lấy Ma-ri làm vợ, vì con mà người chịu thai đó là bởi Đức Thánh Linh. Người sẽ sanh một trai, ngươi khá đặt tên là Giê-su, vì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội. Mọi việc đã xảy ra như vậy, để cho ứng nghiệm lời Chúa đã dùng đấng tiên tri mà phán rằng: Này, một gái đồng trinh sẽ chịu thai, và sanh một con trai, Rồi người ta sẽ đặt tên con trai đó là Em-ma-nu-ên; nghĩa là: Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta” (Ma-thi-ơ 1:20b –23).
     Mùa Giáng sinh lại đến, sứ điệp giáng sinh lần nữa nhắc ta về lời hứa của Đức Chúa Trời “Em-ma-nu-ên” “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta.” Karl Barth, thần học gia vĩ đại của thế kỷ 20 tuyên bố rằng: sứ điệp “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta” là trọng tâm của niềm tin Cơ Đốc. Vì từ nền tảng này các lẽ đạo khác được triển khai. Lẽ ấy, chúng ta cùng suy nghĩ và xác chứng về sứ điệp lời hứa “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta” là sự thật mà chúng ta rao ra. Là sự thật mà chúng ta sống động, hiện hữu mỗi ngày.
     Chữ "Em-ma-nu-ên" là một từ ghép trong tiếng Hy-lạp của ba đơn từ "Em-ma," "nu," và "ên"
I. Đức Chúa Trời—“ÊN”
Dù bức màn sắt của thế giới vô thần đã sụp đổ hơn 20 năm nay, và thế giới thế tục Phương Tây vẫn luôn nương cậy vào khoa học để giải thích mọi hiện tượng thiên nhiên thì chúng ta xác chứng rằng “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất.” 
     Chúng ta muốn xác chứng một sự thật, một bảo đảm xa hơn mọi tầm vóc suy tưởng của con người. Vượt ngoài khả năng quan sát của ngũ quan. Khi chúng ta xác chứng rằng “Đức Chúa Trời là thực hữu” như lời Giăng đã xác chứng “Ngôi lời trở lên xác thịt ở giữa chúng ta đầy ơn và lẽ thật” (Giăng 1:14). Cho dù chưa một ai thấy Đức Chúa Trời, nhưng chúng ta vẫn ngắm xem sự vinh hiển của Ngài qua Đức Chúa Giê-su Christ.  Lẽ đó chúng ta có đủ mạnh để nói rằng, chúng ta không cô đơn trên một hành tinh tối tăm đang chạy cuồng trong vũ trụ bao la.  Nhưng chúng ta xác chứng rằng “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta.”
     Trong lời tuyên xưng đức tin, Cơ Đốc Nhân không chỉ công nhận sự hiệ n hữu của Đức Chúa Trời mà chúng ta còn xác chứng rằng “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta.” Đó là một tin mừng, cần phải được rao ra, cần phải được kinh nghiệm. Sự hiện hữu của chúng ta trong vũ trụ này như những người khách thân thương của Cha thiên thượng. Vì Ngài hằng ở cùng, thương yêu, và bảo toàn.
     Khi ngắm xem một vườn hoa được gieo trồng một cách trật tự, được chăm sóc một cách kỷ lưỡng, được tỉa sửa một cách xinh xắn thì không thể nào chúng ta có thể nghi ngờ sự hiện diện của người chủ vườn. Đức Chúa Trời đang ở cùng, bảo an, nâng đỡ, che chở, dạy dỗ và dẫn bước chúng ta vào cõi vĩnh hằng phước hạnh với Ngài.
II. Ở Cùng—“Em-ma”
Lắm lúc chúng ta không chú ý đến chữ “ở cùng” vì thường chữ này không phải là chữ chìa khóa trong một câu văn. Tuy nhiên chổ đứng của chữ ở cùng rất quan trọng trong các mối liên hệ, và nhất là mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời với con người. 
     Phúc Âm Ma-thi-ơ cho biết “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta” đó là lời mà tiến tri Ê-sai muốn nói với vua A-cha và dân sự ông lúc bấy giờ. Đó cũng là lời mà thiên sứ muốn nói với Giô-sép và Ma-ri.  Đó là lời mà các sách Phúc Âm muốn nói với chúng ta.  Đức Chúa Trời muốn có mối quan hệ với chúng ta. Còn chúng ta muốn có mối quan hệ với Ngài chăng? Làm sao để chúng ta có mối quan hệ này? Và thế nào để chúng ta được Đức Chúa Trời ở cùng?
     Kinh Thánh làm sáng tỏ điều này khi ghi lại hai tên Em-ma-nu-ên và Giê-su đi đôi với nhau (Ma-thi-ơ 1:21-23). Đức Chúa Trời qua Chúa Giê-su đang ở cùng chúng ta không chỉ trong những lúc chúng ta tham gia các nghi lễ tôn giáo hoặc có mặt trong giáo đường. Ngài ở cùng chúng ta mọi lúc, mọi nơi không cứ hoàn cảnh nào.
     Không một ai chúng ta khi sáng dậy lại muốn mình phải buồn tẻ, thất vọng hoặc cô đơn. Dù vậy những chuyện ấy vẫn xảy đến. Không một cuộc hôn nhân nào bắt đầu với những suy nghĩ sẽ dở dang, nhưng lắm khi chuyện ấy vẫn xảy ra. Không một ai muốn bị xa thải trong những ngày đầu nhận việc, nhưng chuyện ấy lắm người không tránh khỏi. 
     Thế nên việc Đức Chúa Trời ở cùng là một phước ân to lớn, một nhu cầu cần phải có, một ước muốn tốt lành để chúng ta đủ sức đi tới hoặc vươn lên “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi” (Phi-líp 4:13).
     Một lẽ, khi chúng ta biết có Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta thì chúng ta không sống như Ngài không hiện diện. Nhưng cuộc sống của chúng ta luôn phản ảnh sự hiện diện cao quí của Ngài. Hãy để cho Đấng Christ bên trong bạn, lộ ra hầu nhiều người được thấy. 
     Cầu xin Chúa cho sức sống mới của Ngài chiếm hữu con người cũ của chúng ta.  Khi đó chúng ta sẽ mạnh mẽ mà nói rằng Đấng Christ đang thức sự tác động qua chúng tôi.  Và chúng tôi trở nên ngón tay, bắp thịt, và tế bào của thân thể Ngài.  Nào những thế thôi, Đức Chúa Trời là vĩnh cữu nên những ai liên kết với Ngài cũng sẽ dự phần vào sự vĩnh cữu với Ngài.
III. Chúng Ta—“nu”
Chữ chúng ta là đại danh từ chỉ người, ngôi thứ hai số nhiều - khi chúng ta phân tích về từ ngữ của chữ này. Nhưng đơn giản hơn chữ “chúng ta” có ý nói đến một tập họp, một cộng đồng. 
     “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta” thì tập họp này, công đồng này trở nên một công đồng khắn khít với Đức Chúa Trời.  Với Cơ Đốc Nhân thì đây là công đồng đức tin, thân thể Chúa hay Hội Thánh. Mọi thành viên trong công đồng ấy thuộc về nhau, liên lạc cùng nhau, gánh chịu cho nhau, và họp tác cùng nhau mà rao truyền danh Cứu Chúa cho đến ngày Ngài trở lại. 
     Có điều chúng ta thường thấy là khi những thành viên trong Chúa chỉ được khắn khít với nhau khi họ có sự khắn khít với Chúa. Và chúng ta thấy có một tính xấu đe dọa công đồng này. Mà tính ấy, ngoài Chúa ra thì không một người nào trong công đồng có thể tránh khỏi.  Đó là tính mà mọi thành viên trong cộng đồng đều ghê tởm khi nhìn thấy ở người khác. Người có tính này càng mạnh thì càng ghét tính này hơn khi thấy nó ở với người khác. Theo những vị thầy khả kính trong Hội Thánh thì tánh xấu này là “tính kiêu ngạo.” Vì tính kiêu ngạo là nguyên nhân chính của những khổ đau nơi gia đình, trong Hội Thánh và ở mọi quốc gia từ thuở ban đầu.
      Cầu xin Chúa cho chúng ta được gần hơn với Ngài để chúng biết quên mình như Ngài đã quên mình, “Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có, Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự. Cũng vì đó nên Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh, hầu cho nghe đến danh Đức Chúa Giê-su, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều quì xuống, và mọi lưỡi thảy đều xưng Giê-su Christ là Chúa, mà tôn vinh Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha” (Phi-líp 2:5-11).
     Tin Lành Ma-thi-ơ chấm dứt với lời hứa, “Và này, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế” (Ma-thi-ơ 28:20). Cuối của Kinh Thánh Tân ước chấm dứt với lời hứa, “Tôi nghe một tiếng lớn từ nơi ngai mà đến, nói rằng: Này, đền tạm của Đức Chúa Trời ở giữa loài người! Ngài sẽ ở với chúng, và chúng sẽ làm dân Ngài; chính Đức Chúa Trời sẽ ở với chúng” (Khải-huyền 21:3).
     Cầu xin Chúa giúp cho chúng ta biết mình là bụi đất, dơ bẩn, thấp hèn được Chúa ở cùng ban phẩm giá mới cho, để chúng ta biết nắm tay nhau nhìn về máng cỏ nơi làng Bết-lê-hem mà mạnh dạn nói rằng có “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta.” Chúng ta có cớ để cảm tạ Ngài, tôn vinh Ngài, thờ phượng Ngài và buông mình trong tình yêu thương của Ngài. Hãy đến và thưa với Chúa rằng, “Xin Chúa ở cùng con.”
MS Hà Quan Ngọc
Hội Thánh Báp Tít Việt Nam Greenbelt, MD