Sunday, June 28, 2015

TIẾNG GỌI NAM GIỚI

Trong tiếng Việt có nhiều từ dùng để chỉ nam giới. Khái quát có thể có các từ “đàn ông” chỉ về những ai không thuộc hệ đàn bà, giới nữ yểu điệu. Họ được gọi nam giới “con trai,” đàn ông nói chung, khi có tuổi gọi là “ông già,” “cụ già,” “lão già,” nói về nam giới với ý nghĩa hơi mỉa mai, tếu táo có thể gọi “đực rựa,” “đực”; gọi trong tương quan với nữ giới và có chút ngữ nghĩa văn chương có thể gọi là “phái mạnh” hay “đấng mày râu.”

     Cách xưng hô ở ngôi thứ ba, nam giới được gọi bằng các từ “thằng,” “thằng ấy,” “đực rựa,” “cậu,” “ông,” “bố,” “chú,” hay “bác.” Theo đó trong quan niệm của người Á Đông, nam giới luôn là những người lãnh đạo gia đình, bộ lạc, dân tộc, quốc gia, và mọi của cải đều truyền cho con trai với ý nghĩa “quyền huynh thế phụ.” Quan niệm Nho giáo tại các nước Đông Phương cũng nhấn mạnh thêm vai trò thống trị tuyệt đối của nam giới, “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô.”(Ý rằng: một trai cũng được coi là có, nhưng 10 nữ vẫn coi là không.)
 
     Trong lịch sử loài người, hầu hết các nền văn hóa đã theo chế độ phụ hệ, nhưng đôi lúc phụ nữ bất tín nhiệm các ông, nên vùng lên lập chế độ mẫu hệ, vì các ông thờ ơ công việc gia đình, quên mất bổn phận, trọng trách của người đầu tàu mà luôn đòi hỏi đề cao các quyền lợi của nam giới mà không chịu thực hiên đúng vai trò của mình. Có phải nam giới ngày hôm qua cho đến hôm nay đã đánh mất chính mình? Ngay trong vườn Ê-đên, vật tạo dựng trân quí nhất của Đức Chúa Trời đã ẩn trốn phía sau cái xương sườn của mình. Kể từ khi cái xương biết nói, biết ăn thì cũng là lúc dường như A-đam không nói được lời nào! Anh ta ngoan ngoãn làm theo, ăn theo cho đến khi mắt mình được mở ra và nhìn thấy sự khủng khiếp! Tiếc thay thêm cái yếu, thiếu chất của người nam anh hùng, không dám nhận tội mà đổ thừa, trốn trách nhiệm. Nói vui thôi, chớ nếu A-đam ngày trước dám can ngăn, khuyên dạy nàng Ê-va bé bỏng sống theo Lời Chúa, thì có lẽ không có điều hối tiếc cho chúng ta hôm nay, và chàng sẽ luôn là người anh hùng  trong đôi mắt mỹ nhân. Có người đặt câu hỏi, “Tại sao A-đam không nói được lời nào từ khi có Ê-va?” Các bạn thử trả lời xem. Có phải Ê-va nói quá nhiều và quá xinh đẹp hơn các sinh vật khác đã cuốn hút hết tâm trí chàng, khiến chàng không mở được lời? Trong khu vườn xinh đẹp của mái ấm gia đình ngày nay cũng không thiếu những ông nam giới yên lặng … là vàng, yên lặng chết người vì thiếu hẳn Lời Chúa cho gia đình. Tiếc thay, tiếc thay! Chàng đã đánh mất chính mình, quên đi trách nhiệm mà Thiên Chúa giao cho … chỉ biết trồng và giữ vườn trong mệt mỏi, để Ê-va muốn làm gì thì làm, còn mình buông xuôi. Có lẽ không chấp nhận mãi cảnh trái ngang mà một số các ông vùng lên, nhắc nhở nhau lập Ban Nam Giới, có cần thiết không? Đâu đó chúng tôi nghe những tiếng cần rất cần nhỏ nhẹ. Nói cho cùng từ khi đến xứ Mỹ này, tôi thấy cánh đàn ông chúng ta giỏi quá, chăm sóc con cái, bếp núc đảm đang, lau quét nhà là chuyện bình thường, nhưng quá bất thường trong tâm trí của cánh đàn ông ở trong nước. Sang đây chúng ta bị lép vế, mất ngôi. Câu yên ủi các ông thường nói với nhau: “Muốn cho yêm ấm gia đinh,” hoặc “nhường nhịn theo Lời Chúa dạy!” Vả lại tập tành tánh tốt đó cũng hay hơn. “Ở bầu thì tròn ở ống thì dài” mà lỵ, hay “sông có lúc người có khúc” mặc nhiên chấp nhận vì không còn cách nào hơn, lại thêm gánh nặng cuộc sống! Có lẽ vì thế mà nam giới buông xuôi chăng? Nam giới ít tham gia các chương trình sinh hoạt các ban ngành trong Hội Thánh, quên luôn Ban Nam Giới và không còn khí thế hào hùng như xưa. Tại Đại Hội Liên Hữu lần thứ 29 ở San Jose, tôi thấy một thực tế. Đó là chương trình chứng đạo cho cộng đồng người Việt mà ban Truyền giáo phát động. Nhiều người tham gia hào hứng với chương trình chứng đạo, đa số là phái nữ. Nam giới chỉ lát đát vài người trong đám đông người ra đi cho công việc nhà Chúa! Đó có phải là sự so le tạm thời hay một thực tế buồn không thể biện minh. Nam giới là vai trò chính, yếu tố mạnh không thể thiếu. Suốt dòng lịch sử tâm linh, người nam luôn đứng đầu là “Người Gieo giống,” sao cất giống không đem ra rải? Hay là hết sức rồi chăng? Lẽ nào chúng ta để thời gian tâm linh trôi qua cách uổng phí, sải dài trong đời này thì có chi hay. Biết bao nhiêu công việc nhà Chúa đang thiếu người. Hội Thánh đang cần sự góp phần của chúng ta. Hỡi những người dõng sĩ kẻ trượng phu, hãy cùng nhau trỗi dậy. Chúng ta sẽ biến những giấc mơ thành hiện thực. I Cô-rinh-tô 16:13-14 chép, “Anh em hãy tỉnh thức, hãy vững vàng trong đức tin, hãy dốc chí trượng phu và mạnh mẽ. Mọi điều anh em làm, hãy lấy lòng yêu thương mà làm.”

     Thưở thiếu niên, tôi thích sách Các Quan Xét, không phải vì giỏi hay thiêng liêng mà vì thích nhân vật Sam-sôn, người hùng mạnh mẽ vai u thịt bắp, một mình chống chọi quân binh người Phi-li-tin, nhưng khi lớn lên, tôi thấy được cái yếu đuối ẩn nấp phía trong cái bề ngoài mạnh mẽ ấy. Nếu không có Chúa thương xót thì chắc rằng chàng ta sẽ chết lãng xẹt trên đùi Đa-li-la, nơi bẫy rập êm ái đó đã dẫn chàng ta đến ngục tù chua chát. Sam-sôn hiểu cớ sự và ăn năn chỗi dậy. Đọc sách Các Quan Xét, chúng ta sẽ thấy dân sự Chúa sống yếu đuối, không thực hiện theo Lời Chúa, khiến cho người Phi-li-tin coi thường, tấn công xâm lấn, cư xử thô bạo, bắt ép dân sự Chúa. Họ không biết làm gì hơn là than vãn và chờ đợi phép màu. Dân sự luôn luôn cầu mong có những người, những nam giới mạnh mẽ đứng lên để giúp dân, đưa dân sự ra khỏi sự áp bức.

     Như dân sự trong thời Các Quan xét, gia đình, Hội Thánh, và xã hội ngày nay đang cần những người nam mạnh mẽ và sống động trong đức tin. Hỡi nam giới! Ai trong chúng ta dám đứng dậy, sẵn sàng lớn lên vững vàng trong đức tin, mạnh mẽ khẳng định mình là người nam thật của Chúa và vẫn luôn sống động cho công việc nhà Ngài. Amen!

Mục sư Lê Thy Lam

HTBT Metropolitan, Wichita, KS