Gia đình là một cấu trúc xã hội quan trọng nhất trong bất kỳ một xã hội nào trên thế giới. Mỗi gia đình có một nét độc đáo riêng, trong đó vợ chồng mang đến cho nhau những kinh nghiệm và giá trị riêng tư của chính gia đình cha mẹ mình. Tiếc thay, không có một hôn nhân nào được gọi là hoàn hảo, một hôn nhân mà ai ai cũng thường mơ ước, “một hôn nhân như trên thiên đàng.” Tuy nhiên, nếu mỗi người phối ngẫu tuân theo lời dạy trong Kinh Thánh mà làm theo, thì gia đình ấy sẽ đạt được điều hạnh phúc mà Đức Chúa Trời đã hoạch định từ lúc ban đầu cho cuộc sống gia đình.
Đầu tiên, nền tảng của hôn nhân là tình yêu. Chúa Giê-su đã bày tỏ nguyên tắc này bằng cách từ bỏ “những quyền lợi” của Ngài khi Chúa đến thế gian thành người và rồi Ngài chết trên cây thập tự. Nếu chúng ta thật sự yêu thương người bạn đời và con cái của mình, chúng ta sẽ sẵn sàng hy sinh chính mình để người phối ngẫu và con cái mình có thể tiếp tục sống trong những lúc khó khăn. Tuy nhiên, sự thử nghiệm thật sự vẫn là chính chúng ta có sẵn lòng hy sinh những quyền lợi riêng tư và bằng lòng sống cho gia đình của mình hay không. Tình yêu được bày tỏ không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động của mình nữa. “Nhưng vì cớ Đấng Christ, tôi đã coi sự lời cho tôi như là sự lỗ vậy… sự nhận biết Đức Chúa Giê-su Christ là quí hơn hết” (Phi-líp 3:7-8).
Thứ hai, nền tảng của hôn nhân là sự tôn trọng. Các thành viên trong gia đình cần tôn trọng lẫn nhau ngay cả khi có những bất đồng về vấn đề nào đó. Lúc này lời qua tiếng lại đóng một vai trò rất là quan trọng. Nếu trong lúc nóng nảy chúng ta làm tổn thương đến đối phương dù bất cứ trường hợp nào, thì hãy nhanh chóng xin lỗi đối phương. “Nhược bằng có ai tưởng mình là tin đạo mà không cầm giữ lưỡi mình, nhưng lại lừa dối lòng mình, thì sự tin đạo của người hạng ấy là vô ích.” Gia-cơ 1:26
Thứ ba, nền tảng của hôn nhân là sự cam kết. Dù bất luận điều gì xảy ra, sự cam kết trong hôn nhân là điều tối quan trọng để một gia đình tiếp tục tồn tại. Có một số người trong xã hội ngày hôm nay quan niệm rằng nếu trong hôn nhân không có hạnh phúc, thì cứ ly dị là xong. Nhưng đó không phải là một giải pháp. Đức Chúa Trời chính là giải pháp và sự cứu giúp mà chúng ta có thể tìm được qua lời cầu nguyện, học hỏi Lời Chúa và sự cố vấn khôn ngoan của những người yêu mến Đức Chúa Trời. “‘Ta ghét ly dị,’ Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên phán vậy” (Ma-la-chi 2:16).
Thứ tư, chúng ta hãy cố gắng sống hòa thuận với gia đình. Những xung đột không thể giải quyết trong gia đình mình sẽ tiếp tục tái diễn trong quan hệ giữa chúng ta với người phối ngẫu, con cái, và cha mẹ hai bên. Hãy tha thứ cho những người đã xúc phạm đến mình, cho dù chúng ta có bị tổn thương đến đâu đi nữa. Sự giải phóng tâm hồn đến từ việc chúng ta học biết cách tha thứ cho người khác theo cách mà Đức Chúa Trời đã tha thứ cho chính mình. “Phước cho những kẻ làm cho người hòa thuận, vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời!” (Ma-thi-ơ 5:9).
Một gia đình được phát triển như thế nào?
Những cách để trở thành một thành viên tuyệt vời trong gia đình chúng ta mỗi ngày là nên có giờ cầu nguyện chung của gia đình trước khi đi ngủ và đồng thời theo sự hướng dẫn như sau:
Chuyện Trò
Hỏi một người lớn trong gia đình chúng ta là họ nhớ nhất điều gì trong tuổi thiếu niên. Những nan đề lớn lao nào mà họ gặp phải trong tuổi thiếu niên?
Quan Tâm
Hãy hỏi những phần tử trong gia đình chúng ta về công việc làm hay việc học tập của họ trong ngày? Coi thử mọi sự thuận lợi hay họ gặp những khó khăn nào?
Làm Việc Nhà
Phụ làm việc trong nhà mà không đợi đến người khác nhờ mình. Thích thú nhất của tôi là mỗi ngày đứng rửa chén chung với vợ tôi. Đây là lúc hai vợ chồng có thì giờ tâm sự, khi con cái thấy vậy sẽ giúp trong việc nhà. (Lời cảnh báo: coi chừng khi quý nam giới làm như vậy khiến các bà vợ hay bà mẹ yếu tim bị ngất đi.)
Học Hỏi
Học hỏi, xin ý kiến và lắng nghe lời khuyên khôn ngoan từ thành viên trong nhà. Có thể họ không sinh sống gần chúng ta. Hãy viết thư, email hoặc gọi điện thoại cho họ. Họ sẽ rất vui khi được biết tin tức từ chúng ta.
Dạn Dĩ
Thừa nhận những điều nào đó mà chúng ta đã gây tổn thương cho thành viên trong gia đình và hãy dạn dĩ xin lỗi họ.
HÃY SUY NGHĨ VỀ SỰ KHỦNG HOẢNG TRONG MỘT GIA ĐÌNH NÀY
Chúa Giê-xu ra lệnh cho ma quỷ phải ra khỏi một em nhỏ. Ma quỷ vâng lệnh Chúa Giê-xu. Chúa Giê-xu hứa rằng, “Kẻ nào tin thì mọi việc đều được cả” (Mác 9:23).
Gia đình này có một nan đề rất lớn. Nan đề lớn đến nổi họ không còn kiểm soát được. Nhưng người cha quyết không chịu nhượng bộ. Ông đang tìm kiếm sự giúp đỡ! Đúng lúc đó, Chúa Giê-xu vào thành và người cha biết đích xác mình phải làm gì. Sự quan tâm của người cha vượt quá điều mọi người suy nghĩ. Ông hạ mình xuống và nài xin sự giúp đỡ.
Chỉ thế thôi – Kêu nài xin sự giúp đỡ và tin rằng Chúa Giê-su là Đấng có thể giúp chúng ta trong mọi nan đề. Còn gia đình của chúng ta thì sao? Có nan đề nào trong gia đình mình mà không một ai có thể giải quyết được không?
Chúa Giê-su là Đấng giải đáp! Chúng ta chỉ cần đặt niềm tin nơi Ngài và đến với Ngài bằng đức tin của mình.
MS Đặng Ngọc Thiên-Ân