Thursday, December 23, 2010

ĐỜI SỐNG CÓ CHÚA Ở CÙNG

Chúng ta đang sống trong những ngày của Mùa Lễ Giáng Sinh. Trong không khí tưng bừng của ngày lễ, chúng ta nhớ đến lời Kinh Thánh trong Phúc Âm Lu-ca về Tin Mừng. Khi thiên sứ xuất hiện với những kẻ chăn chiên ngoài đồng, họ sợ hãi và thiên sứ nói rằng, “Đừng sợ chi; vì nầy, ta báo cho các ngươi một tin lành, sẽ là một sự vui mừng lớn cho muôn dân; ấy là hôm nay tại thành Đa-vít đã sanh cho các ngươi một Đấng Cứu-thế, là Christ, là Chúa.” Đó là Tin Mừng. Tin mừng vì Đức Chúa Trời giáng thế trong thân xác con người để cứu rỗi nhân loại và để mở một kỷ nguyên mới—kỷ nguyên an bình cho những ai tiếp nhận Ngài. Tin Mừng đó được thể hiện trong Chúa Giê-su. Danh Giê-su có nghĩa “Đức Chúa Trời là Đấng Cứu Rỗi.”

     Trong Chúa Giê-su chúng ta có sự cứu rỗi và chỉ có Ngài mới có quyền “cứu dân mình ra khỏi tội” (Ma-thi-ơ 1:21). Ngài đến để cứu chúng ta khỏi mặc cảm tội lỗi bằng cách đổ huyết Ngài như một của lễ chuộc tội (Rô-ma 5:8-9a); Ngài đến để cứu chúng ta khỏi quyền lực của tội lỗi trên đời sống của chúng ta (Rô-ma 8:1-2); Ngài đến để cứu chúng ta khỏi hậu quả của tội lỗi, cụ thể là Ngài cứu chúng ta khỏi cơn thịnh nộ sắp đến của Đức Chúa Trời (Rô-ma 5:9); và, Ngài đến để cứu chúng ta khỏi sự hiện diện của tội lỗi (Khải-huyền 7:13-17). Chúng ta cám ơn Chúa vì tình yêu thương của Chúa dành cho nhân loại mà Chúa Giê-su vào đời trong chuồng chiên, máng cỏ nghèo hèn.
     Cũng trong Mùa Lễ Giáng Sinh, chúng ta không thể nào quên lời hứa của Đức Chúa Trời. Theo thời điểm của Ngài, Chúa thực thi lời hứa mà Ngài đã dùng tiên tri Ê-sai phán trong nhiều năm trước Chúa Giê-su giáng sinh, “Này, một gái đồng trinh sẽ chịu thai, sanh ra một trai, và đặt tên là Em-ma-nu-ên” (Ê-sai 7:14), và lời hứa này cũng được nhắc đến Ma-thi-ơ 1:23. Tiên tri Ê-sai đã báo trước rằng, một con trẻ sẽ được sinh ra bởi một trinh nữ, và con trẻ ấy được gọi là Em-ma-nu-ên. Danh Em-ma-nu-ên có nghĩa là “Đức Chúa Trời ở cùng với chúng ta.”
     Trong Chúa Giê-su chúng ta có được sự cứu rỗi và “ai kêu cầu danh Ngài sẽ được cứu” (Rô-ma 10:13). Nói về phương diện tín lý thì danh Giê-su bày tỏ chức vụ của Chúa Giê-su, tức là Ngài làm gì, nhưng danh Em-ma-nu-ên thì bày tỏ bản tánh của Ngài, tức là Ngài là ai. Danh xưng này bày tỏ bản thể tự nhiên của Đấng Mết-si-a, Đấng Chịu Xứt Dầu. Bản thể của Ngài được bày tỏ trong nhiều câu, phân đoạn Kinh Thánh.
     Thứ nhất, Ngài là “Đức Chúa Trời quyền năng, là Cha đời đời” (Ê-sai 9:5).
     Thứ nhì, Ngài là Đức Chúa Trời, sở hữu “sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” trước khi nhập thể. Trong Giăng 1:1-3 có chép, “Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời. Ban đầu Ngài ở cùng Đức Chúa Trời. Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài.”
     Thứ ba, Ngài được tuyên bố là “Con Đức Chúa Trời có quyền phép” với sự phục sinh của Ngài. Rô-ma 1:3-4 có chép, “về Con Ngài, theo xác thịt thì bởi dòng dõi vua Đa-vít sanh ra, theo thần linh của thánh đức, thì bởi sự sống lại của Ngài từ trong kẻ chết, được tỏ ra là Con Đức Chúa Trời có quyền phép, tức là Đức Chúa Giê-su Christ, Chúa chúng ta.”
     Thứ tư, Ngài “bình đẳng với Đức Chúa Trời” nhưng tự hạ mình xuống. Phi-líp 2:6-11 có chép, “Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự. Cũng vì đó nên Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh, hầu cho nghe đến danh Đức Chúa Giê-su, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều quì xuống, và mọi lưỡi thảy đều xưng Giê-su Christ là Chúa, mà tôn vinh Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha.” Trong Ngài “đầy dẫy của bổn tánh Đức Chúa Trời” (Cô-lô-se 2:9). Có thể nói rằng, bản thể của Ngài thật khó cho con người, với sự hiểu biết hạn hẹp, hiểu thấu được. Chúng ta vật lộn với sự mầu nhiệm rằng Chúa Giê-su là “Đức Chúa Trời đã được tỏ ra trong xác thịt” (I Ti-mô-thê 3:16).
     Nhiều bản tánh của Ngài thể hiện về bản thể của Ngài. Danh Em-ma-nu-ên cũng bày tỏ bản tánh yêu thương của Ngài. Vì Ngài yêu thương chúng ta, Ngài ở cùng với chúng ta. Danh Em-ma-nu-ên cũng bày tỏ bản tánh thành tín của Ngài. Vì Ngài thành tín với chúng ta, Ngài luôn ở cùng với chúng ta.
     Qua Kinh Thánh, chúng ta nhận biết Đức Chúa Trời luôn ở cùng với dân Y-sơ-ra-ên. Ngài ở cùng với tổ phụ của họ là Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp. Ngài cùng với họ và Môi-se trong hành trình đi vào đất hứa. Ngài ở cùng với họ khi họ vào đất hứa, khi họ lập quốc. Lịch sử cũng cho thấy nhiều lần dân sự chối bỏ sự hiện diện, sự “ở cùng” của Đức Chúa Trời. Dẫu vậy Ngài vẫn luôn thành tín, và vào đúng thời điểm của Ngài, Ngài đã đến thế gian trong thân xác con người để cứu vớt chúng ta và cảm thông được mỗi đời sống của chúng ta.
     Đức Chúa Trời luôn ở cùng, cho nên Ngài biết những gì xảy ra trong đời sống của chúng ta. Những vật lộn, những thăng trần, những khó nhọc, những bất công, v.v., Ngài đều biết hết. Có thể nhiều người chung quanh chúng ta không biết được những gì đang xảy ra trong đời sống của chúng ta, những gì khiến chúng ta nản lòng. Chúng ta hãy nhớ rằng, “Đức Chúa Trời ở cùng với chúng ta.” Ngài thành tín và Ngài cũng giúp chúng ta trung tín với Ngài. Việc chúng ta cần phải làm là sống trong sự ý thức là Chúa ở cùng với chúng ta.
     Chúng ta có tin là Chúa đang ở cùng với chúng ta không? Chúng ta cảm ơn Chúa vì chúng ta tin chắc rằng Ngài luôn ở cùng với chúng ta.
     Phúc Âm Ma-thi-ơ mở đầu với lời hứa trong danh Em-ma-nu-ên, có nghĩa là Đức Chúa Trời ở cùng với chúng ta và Phúc Âm này kết thúc với câu, “Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế” (Ma-thi-ơ 28:20). Đức Chúa Trời luôn ở cùng với chúng ta, là những con cái của Ngài. Điều chúng ta cần để ý là chúng ta có nhận biết sự hiện diện của Ngài hay không?
     Nhiều năm qua, mỗi Mùa Giáng Sinh, chúng ta ăn mừng, tiệc tùng, quà cáp, trang trí nhà cửa, tập hát, và nhiều sinh hoạt khác, nhưng chúng ta có đón nhận và kinh nghiệm sự hiện diện của Chúa hay không? Chúa Giê-su có phải là trọng tâm của mùa Lễ Giáng Sinh mà chúng ta ăn mừng không?
     Cầu xin Chúa cho mỗi chúng ta kinh nghiệm sự giáng sinh của Chúa Giê-su, là sự “ở cùng,” hiện diện của Chúa trong mùa Giáng sinh này.

MS Võ Ngọc Triển