Friday, June 29, 2012

KINH NGHIỆM ĐỂ ĐƯỢC SAI ĐI

(Trích từ BẢN TIN số Đặc Biệt Mừng Đại Hội Báp Tít 28)
Tuổi thơ ấu ở quê tôi có những chuyện xảy ra hằng ngày, giờ ngẫm nghĩ lại vẫn còn tức cười nhưng rất thấm thía. Chuyện mấy đứa bé nhỏ được mẹ sai đi mua ít muỗng dầu hay ít đồng bột ngọt. Mấy đứa nhận tiền từ mẹ rồi đi, nhưng một lát trở về không có mua được cái gì, thậm chí không nhớ là mẹ sai mua cái gì. Mới nghe qua thì thấy tức cười, nhưng chắc chắn có một bài học ở đây, đặc biệt là những người được kêu gọi hay được sai đi để hầu việc Chúa—Có nhiều người được sai đi nhưng không kết quả hoặc hiện không biết việc mình đang làm.


     Đại Hội năm nay với chủ đề “Xin Hãy Sai Con” trong I-sa 6:1-8 (BDM) chung quanh ý nghĩa sẵn sàng đáp lại sự kêu gọi của Chúa để rao truyền sứ điệp của Đức Chúa Trời. Trước sự hiện diện, sự thánh khiết, và sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, I-sa đã kinh nghiệm chính Chúa và ông sẵn sàng trả lời rằng, “Có tôi đây, xin hãy sai tôi.” Chúng ta cùng tìm hiểu kinh nghiệm của I-sa, trước khi được Chúa sai đi.


I. Kinh Nghiệm Nhìn Lên Chúa

Kinh nghiệm đầu tiên mà I-sa có là kinh nghiệm nhìn lên Chúa. I-sa 6:1 chép, “Vào năm Vua Ô-xia băng hà, tôi thấy Chúa ngồi trên ngai cao cả, tôn quý; thân áo Ngài đầy dẫy đền thờ.” Một quang cảnh mà chúng ta nhìn thấy I-sa nhìn lên và thấy Chúa trên ngai cao cả. Kinh nghiệm này đã thay đổi cách nhìn của I-sa. Vậy có phải I-sa chưa bao giờ nhìn lên Chúa không? Có thể ông cũng có lần nhìn lên, nhưng ông không nhận ra Chúa mà chỉ nhận ra Vua Ô-xia. Yếu tố “Vua Ô-xia băng hà” không thể bỏ qua để hiểu I-sa 6. II Sử-ký 26 ghi lại cuộc đời và sự nghiệp của Vua Ô-xia. “Vua làm điều thiện trước mắt CHÚA như mọi điều thiện vua cha đã làm. Vua tìm kiếm Đức Chúa Trời suốt thời Xa-cha-ri, người dạy vua kính sợ Đức Chúa Trời. Bao lâu vua tìm kiếm CHÚA, Đức Chúa Trời ban cho vua thành công” (c. 4-5). Vua có một lực lượng quân sự rất hùng hậu chống trả lại kẻ thù hùng mạnh Phi-li-tin, và “danh tiếng người đồn đến tận biên giới Ai-cập vì vua trở nên rất hùng cường” (c. 8), và đặc biệt “danh tiếng người vang ra rất xa vì người được Chúa giúp đỡ cách lạ lùng cho đến khi trở nên cường thịnh” (c. 15). Nhưng khi cường thịnh thì Vua trở nên kiêu ngạo. Vua vào đền thờ tự ý dâng hương và điều này đã làm Chúa không đẹp lòng và Chúa phạt ông bị bệnh phung, rồi ông qua đời. Ông trị vì nước Giu-đa 52 năm. Vì sự hùng mạnh của Vua, đất nước trong sự an ninh và mọi người nhìn lên vị Vua lừng lẫy, vĩ đại của mình và dựa vào lực lượng quân sự của triều đình, không còn nhìn lên Chúa và không biết nương cậy vào Chúa. I-sa chắc cũng như bao người dân Giu-đa khác. Vì thế khi Vua Ô-xia băng hà, “thần tượng” của dân Giu-đa cũng như của I-sa bị cất khỏi và đất nước và người dân đứng trước một nguy cơ lớn. Lúc này, I-sa mới nhìn lên và “thấy Chúa ngồi trên ngai cao cả, tôn quý; thân áo Ngài đầy dẫy đền thờ.” Chúng ta học được bài học gì ở đây? Có lẽ ngày nay chúng ta không có Vua Ô-xia là “thần tượng” của chúng ta để chúng ta nhìn lên và nương cậy, nhưng có lẽ chúng ta có những cái khác, điều khác khiến chúng ta không còn thấy Chúa. Có thể là cái bằng cấp “nặng ký” của mình? Hoặc có thể là một chức vị “lừng lẫy” của mình? Hoặc cũng có thể là cơ sở rộng lớn của Hội Thánh hay căn nhà đồ sộ của mình? Người sẵn sàng để được Chúa sai là những người biết nhìn lên Chúa và kinh nghiệm Ngài.


II. Kinh Nghiệm Nhìn Vào Chính Mình

Khi I-sa nhìn lên Chúa, kinh nghiệm sự cao cả của Đức Chúa Trời, ông thực sự đứng trước sự thánh khiết đầy vinh quang của Ngài. Lúc này ông chỉ biết thốt lên rằng, “Khốn nạn cho tôi! Tôi chết mất!” Nói như ngôn ngữ ngày nay là “chết tiêu tôi rồi!” I-sa lúc này nhìn vào chính mình. Ông nhìn vào chính mình và thấy rằng mình sống không khác gì những người khác—đời sống không những không làm vinh hiển Chúa, mà con làm tổn hại danh Chúa. Tại sao I-sa cảm thấy phải nhìn vào chính mình? Vì I-sa dường như chưa có kinh nghiệm này. Trong I-sa đoạn 3 và đoạn 5, ghi lại những lời mà cho thấy ông nhìn vào người khác: “Khốn nạn cho linh hồn họ ...” (3:9), “Khốn cho kẻ gian ác!” (3:11), “Khốn cho các ngươi!” (5:8), “Khốn cho những kẻ từ sáng sớm ...” (5:11), “Khốn cho kẻ kéo theo sự vi phạm ...” (5:18), “Khốn cho kẻ gọi ác là thiện ...” (5:20), “Khốn cho kẻ tự coi mình là khôn ngoan” (5:21), và “Khốn cho kẻ anh hùng ...” (5:21). Ông đã từng nhìn vào nhiều lĩnh vực khác nhau của người khác, nhưng giờ này thì ông nhìn vào chính mình và nói rằng, “Khốn nạn cho tôi!” Người để được Chúa sai đi là người không phải nhìn vào đời sống của người khác trước, mà là nhìn lại đời sống mình trước và xét lại mình đang sống một đời sống như thế nào. Có lẽ mỗi người chúng ta, những người đang đọc bài viết này, hỏi chính mình rằng: “Có phải vì đời sống mình mà đưa đến tình trạng hiện tại của gia đình mình, của Hội Thánh nơi mình nhóm họp, và của Liên Hữu chúng ta?” Đã đến lúc chúng ta cần có kinh nghiệm nhìn lại chính mình.


III. Kinh Nghiệm Nhận Được Tha Thứ

Khi nhìn lại chính mình và nói, “Khốn nạn cho tôi!”, I-sa đã nhìn thấy và xưng tội lỗi mình với Chúa. Trong giây phút đó, ông kinh nghiệm sự tha thứ của Ngài. I-sa 6:6-7 ghi lại, “Bấy giờ một trong các sê-ra-phim bay đến tôi, tay cầm than lửa đỏ đã dùng cặp gắp từ bàn thờ. Sê-ra-phim đó sờ vào miệng tôi và bảo: ‘Nầy, cái nầy đã đụng đến môi ngươi; lỗi ngươi đã được xóa, tội ngươi đã được tha.’” Người sẵn sàng để được Chúa sai đi là người kinh nghiệm được sự tha thứ của Chúa để phục hồi lại đời sống của mình. Muốn nhận được sự tha thứ, cách duy nhất là ăn năn xưng tội cùng Ngài theo tinh thần II Sử-ký 7:14, “Nếu dân Ta, dân được gọi bằng danh Ta, hạ mình xuống, cầu nguyện, tìm kiếm mặt Ta và ăn năn từ bỏ con đường gian ác thì Ta từ trên trời sẽ nghe, tha thứ tội lỗi chúng và chữa lành đất đai của chúng.” Ngày nay, “đất đai của chúng” có thể là thành phố mình đang sống, hay là Hội Thánh nơi mình đang nhóm họp, hay là Liên Hữu mình. Có lẽ đã đến lúc con cái Chúa khắp nơi, đặc biệt là con cái Chúa trong Liên Hữu cầu nguyện cho Hội Thánh mình và Liên Hữu.


Sau khi ông kinh nghiệm Chúa—nhìn lên Chúa, nhìn lại chính mình, và nhận được sự tha thứ—I-sa trả lời với Chúa, “Có tôi đây, xin hãy sai tôi.”  Còn chúng ta thì sao? Chúng ta là những người được sai đi đã từng có những kinh nghiệm này chưa? Người được sai đi, nếu không kinh nghiệm Chúa, không những không có kết quả mà còn có thể là những người “bị đi sai.”
Mục sư Võ Ngọc Triển, LĐT
Hội Thánh Báp tít Việt Nam Sachse, TX