"Và tôi nghe tiếng Chúa phán: ‘Ta sẽ sai ai đi? Ai sẽ đi cho chúng ta?’ Tôi thưa: ‘Dạ, có tôi đây, xin hãy sai tôi’" (I-sa 6:8).
I-sa đoạn 6 cho chúng ta thấy những điều kiện cần phải từng trải cho một người được Chúa sai đi.
I. Tôi Thấy: thấy gì?
1. Thấy Chúa: "Vào năm Vua Ô-xia băng hà, tôi thấy Chúa ngồi trên ngai cao cả, tôn quý" (c. 1). Thấy sự oai nghi cả thể của Chúa. Chúa có phải đang ở vị trí cao cả nhất trong đời sống chúng ta hay không? Làm sao có thể thấy Chúa? Vì Chúa là Đấng vô hình. Ai thấy Chúa thì sẽ chết. Nhưng Chúa cho chúng ta thấy sự thánh khiết, sự yêu thương, sự cao trọng, sự thanh liêm, sự quyền năng, sự khôn ngoan, sự hiểu biết của Ngài. Chúng ta biết Chúa. Ngài là ai? Ngài là Đấng đầy quyền năng, Ngài không hề thay đổi, và là Đấng tể trị mọi sự.
Tại sao I-sa không thấy Chúa cho dù ông đã phục vụ Chúa rất lâu? Mãi cho đến khi Vua Ô-xia băng hà I-sa mới thấy Chúa rõ ràng? Ô-xia là ai? Có điều gì ở Ô-xia đã che mất vinh quang của Chúa khiến I-sa không thể thấy Chúa được?
Quả thật vậy, Ô-xia đã cản trở khiến cho I-sa, vị tiên tri của Đức Chúa Trời không thấy được Chúa. Ô-xia được ghi lại trong 2 Sử 26. Ông là một vị vua tài ba, cai trị 52 năm. Khi chúng ta nhìn vào con người dầu họ là vua chúa, thì chúng ta rất dễ bị lung lạc và không thấy rõ Chúa như đáng phải thấy.
- Về kinh tế: Phát triển về ngành trồng nho, nào là chăn nuôi, thêm vào đó là công trình kiến trúc tân tiến và một nền thương mại giao lưu khắp các vùng lân cận khiến đất nước hùng mạnh và hưng thịnh.
- Về Quân sự: Thời đại của Ô-xia có thể phát minh ra súng ống, thêm vào là kỷ thuật bắn tên và đá, họ đã đánh thắng dân Philitin.
- Về danh tiếng: Trong vùng đã đồn vang và nổi tiếng như cồn. Điều nầy khiến cho Ô-xia kiêu ngạo. Không có lòng nhìn biết và tôn kính dâng vinh quang cho Chúa, nên những người khác, nước khác đã chỉ thấy có mỗi Ô-xia mà thôi.
Chính vì sự kiêu ngạo phách lối như vậy, nên ông tự xông vào bàn thờ dâng hương, ông bị Chúa phạt phải mang bịnh phung và chết cách đau đớn vào năm 767 TC. Lúc bấy giờ I-sa mới thấy Chúa ngồi trên ngôi cao sang, đầy sự vinh hiển cao trọng. Thấy Sêraphim có 6 cánh, 2 cánh che mặt, 2 cánh che chân, 2 cánh dùng để bay. Đất thì rúng động, nền đầy những khói, ai thấy thì sẽ chết.
2. Thấy Tôi: Chúa cao sang, thánh khiết, còn tôi thì sao? Tôi là người tội lỗi, dơ dáy, "tôi là người có môi bẩn thỉu." Tiên tri là người rao giảng về Chúa, nhưng môi dơ dáy thì giảng cho ai đây và giảng cái gì bây giờ? Khi chưa thấy Chúa thì thấy người nầy, người kia và người khác khốn nạn, nhưng khi thấy Chúa, gặp Chúa, thì thấy chính mình khốn nạn.
3. Được biến đổi: Chỉ khi cảm biết sự khốn nạn mình, đổi cười ra khóc, đổi vui ra buồn. "Khốn nạn cho tôi!" Chúng ta sẽ được thay đổi khi thấy Chúa, chúng ta sẽ được thanh tẩy. Điều kiện là Ô-xia trong cuộc đời chúng ta cần phải chết. Có sự quyến rũ nào của trần gian đang chi phối chúng ta? Có Ô-xia nào đang ngự trị trong cuộc đời chúng ta?
II. Tôi nghe: (c. 8) Tiếng Chúa: "Ta sẽ sai ai đi? Ai sẽ đi?
1. Tiếng Chúa: phán TA, Adonai là danh xưng của Đức Giê-hô-va, Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúa gọi nhưng Ngài không ép buộc. Ngài hỏi "Ai sẽ đi?"
Điều kiện tiếp theo là chúng ta phải nghe tiếng Chúa. Bạn đã nghe tiếng Chúa chưa? Chúa đã từng phán với các tiên tri giả: "Ta chưa phán đã đi. Ta chưa sai đã chạy." Các bạn đang theo tiếng Chúa hay tiếng người? Ý Chúa hay ý người?
2. Tiếng người: Khi chưa gặp Chúa thì nghe tiếng người, nơi nào hấp dẫn thì chạy theo. Làm việc theo sự bắt chước, hay hùa theo đám đông, nhiều khi cũng theo phe nhóm.
Tiếng con người cũng có thể là chạy theo danh vọng, lợi lộc, và quyền hành.
Tiếng Chúa phán nhưng lòng ta sẽ không nghe được cho đến khi "lòng được rửa sạch khỏi lương tâm xấu, thân thể rửa bằng nước trong" (Hê-bơ-rơ 10).
"Hãy nghe Ta thì linh hồn các ngươi được sống" (I-sa 55:3).
III. Tôi đây: (c. 8b)
1. Có tôi đây: Biết rõ sự kêu gọi. Tiếng gọi của Chúa cho ai thì người đó nghe, người khác sẽ không biết, không nghe, không kinh nghiệm, và mỗi trường hợp không ai giống ai. Đi rao giảng phúc âm, phục vụ Chúa, đó là một sự tình nguyện và là một sự đáp ứng có tính cách cá nhân. Phao lô khi gặp Chúa (thấy Chúa) nên mới nghe rõ tiếng Chúa, nhưng những người đi cùng không nghe, không hiểu chi hết (Công-vụ 9:77, 22:9).
Nếu bạn chưa nghe tiếng Chúa, hãy sửa soạn sẵn sàng để nghe tiếng Chúa phán với mình và cũng hãy đáp ứng cách cá nhân đừng trì hoãn và chần chờ. "Ngày nay nếu các ngươi nghe tiếng Ngài thì chớ cứng lòng."
Người được sự kêu gọi sẽ nghe rõ được tiếng Chúa phán. Và khi đã nghe được tiếng Chúa phán với mình rồi thì không còn điều gì quý hơn và cao hơn, giá trị hơn. Không còn gì quyến rũ được nữa (c. 10).
2. Có tôi đây: Vâng phục. Đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì Chúa sai phái mình. Nhiều người ra đi khi có phong trào, khi có đốc thúc và có đông người. Nhưng chúng ta cần phải vâng lời ra đi cho dù có lúc sẽ không có ai ra đi. Một mình vẫn phải ra đi theo tiếng Chúa gọi.
3. Có tôi đây: Sẵn sàng. Sẵn sàng được Chúa sai phái và sử dụng, không phân bì hay chê khen, nề hà việc lớn, việc nhỏ, việc khó hay việc dễ. xa hay gần, thành thị hay thôn quê, hèn hạ hay quan trọng. Nhiều người chọn việc dễ, lánh việc khó. Bá tước Zinzendorf từng tuyên bố rằng: "Tôi có một say mê: Say mê Chúa tôi."
IV. Sai tôi:
1. Tình Nguyện: Khi nghe tiếng Chúa rồi thì sẵn sàng ra đi, nôn nả, bắt tay vào công tác, không nề hà nắng mưa, bão tố, hoàn cảnh thuận hay nghịch. "Hãy cầu xin chủ mùa gặt sai con gặt đến trong mùa của mình." Nhiều khi chúng ta cầu nguyện để Chúa kêu gọi nhiều người, sai phái nhiều người, sai người nầy, người kia. Còn chúng ta, hay còn chính tôi thì sao? Chính chúng ta lại bận việc nầy, việc nọ, bận nhiều việc khác, nên không lo việc Chúa giao cho ta chăng?
2. Làm tôi tớ: "Xin hãy sai tôi!" là một sự đáp lời của một người với tinh thần tôi tớ. Ra đi phục vụ Chúa là làm tôi tớ cho Chúa và cho nhiều người khác. Nhiều người muốn làm chỉ huy, lãnh đạo, hơn là tôi tớ. Tôi tớ thì rất mệt, khổ cực và đầy khó khăn, thường thì không có mấy ai quan tâm. Ít khi được khen thưởng.
3. Chức vụ khó khăn: "Hãy đi nói với dân nầy, ... nghe nhưng không hiểu chi, … xem nhưng không thấy chi." Chúa phán trước để chúng ta đừng ngã lòng. Có khi làm chứng, rao giảng mỏi miệng mà chẳng có ai tin Chúa hết. Nhưng chúng ta đừng lo lắng vì:
4. Chắc chắn kết quả: Chúng ta là người phục vụ Chúa, là đầy tớ, hãy trung tín làm phần việc của mình. Chúa sẽ làm phần của Ngài.
Chúng ta hãy ghi nhớ và đừng bao giờ quên ví dụ về người gieo giống và hạt giống mà chính Chúa Giêxu đã giảng dạy. Có nhiều hạt rơi nơi dọc đường, hoặc bụi gai, hoặc đất đá sỏi. Nhưng sẽ có những hạt rơi trên mảnh đất tốt và kết quả lạ lùng.
Kết Luận
Nếu không có sông Giô-đanh ngăn cản, dân Y-sơ-ra-ên sẽ không có đất Ca-na-an. Chúng ta xin Chúa cho mình đầy ơn để thấy, để nghe, để đáp ứng tiếng gọi để bước vào con đường thập tự, chịu gian khổ và trung tín của một tôi tớ Chúa, sẵn sàng đáp ứng tiếng gọi và ra đi. Chắc chắn mão triều thiên sự sống đã được dành sẵn để ban cho những ai trung tín trong ngày vinh quang Chúa sẽ trở lại. Nguyện xin Chúa ban phước cho chúng ta.
MS Lê Ngọc Thương, LĐP
Hội Thánh Truyền Giáo tại Shreveport, LA