Năm 1996, hàng chục ngàn mục sư, lãnh đạo gồm các hệ phái khác nhau, đã về tham dự ba ngày Đại Hội của “Promise Keepers” tại Georgia Dome, Atlanta, GA. Những lần mời gọi của các diễn giả, thì sự đáp ứng của người phó hội lên đến hàng ngàn người và họ đã cam kết sẽ “Sold Out” đời sống của họ để Chúa dùng. Năm nay Liên Hữu Báp Tít vừa tròn hai mươi lăm tuổi, thiết nghĩ các con trai của Chúa trong Liên Hữu cũng đã trưởng thành. Và liệu các con trai của Ngài trong Liên Đoàn Nam Giới của Liên Hữu cũng “Sold Out”? Tin lành Mác 2:1-5 cho chúng ta biết quyền năng của Chúa đã chữa bệnh cho người bại liệt. Nhưng bốn người đàn ông vô danh đã “Sold Out” để đóng góp đáng kể trong mẫu chuyện. Xin chúng ta tìm học những tinh thần “Sold Out” của họ. (Sold out có nghĩa “Nhiệt tâm trong điều mình tin chắc hoặc hết lòng với giá trị vĩnh cửu dù mình phải trả nhiều giá và sự hy sinh.”(*) )
1. Tinh Thần Hiệp Tác (c. 3-4)
Chuyện kể: “Chiếc xuồng đang rẽ sóng trên giòng nước ngược, hai người đàn ông hì hục chèo với nhau. Bất chợt, chiếc xuồng chậm lại và tiếng của người đàn ông đàng sau xuồng: Anh chèo tiếp với tôi chứ? Một mình tôi làm sao tiến lên được. Và tiếng trả lời thật vô ý thức: Phần anh anh lo, phần tôi tôi lo. Không lâu, chiếc xuồng trôi theo giòng nước. Bỗng chốc tiếng búa ở đằng sau vang động. Người ở đàng trước xoay lại và nói trong hốt hoảng: Tại sao anh lại đục xuồng? Anh biết rằng tôi không biết lội hay sao? Và người đàng sau xuồng thản nhiên trả lời: Phần anh anh lo, phần tôi tôi lo” (**). Vì con người thường hay chia rẽ nên có quá nhiều những lời châm biếm nhau như: “Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại một hồi ra tro.’’ Nhưng chúng ta quan sát tinh thần cộng tác, hiệp nhất của bốn người này.
(a) Họ Phải Biết Nhau: Giăng Mác không cho chúng ta biết về kích thước, nặng, nhẹ, cao hay thấp của bốn người này. Nhưng động từ “khiêng” đòi hỏi sự hài hòa, đồng nhất, chậm nhanh, tiến thoái phải nhịp nhàng với nhau. Kẻo không, kẻ nhanh sẽ mệt vì phải kéo người chậm. Sự cộng tác với Liên Đoàn Nam Giới của Liên Hữu Báp Tít cũng vậy. Mỗi nguời phải biết nhìn Mục Đích Chung của Liên Hữu và Sứ Mệnh Chúa giao phó cho chúng ta làm việc Chúa hữu hiệu hơn.
(b) Họ Đồng Lòng, Hiệp Sức Với Nhau: Khi bốn người “Vô Danh” khiêng người bại liệt đến để xin Chúa chữa lành. Họ gặp chướng ngại “Vì đông người” (c.4). Kinh Thánh không miêu tả về sự đối thoại của họ. Nhưng chúng ta có thể hình dung mẫu đối thoại của con dân Chúa của thế kỷ 21 này, “Ôi, Anh bại ơi! Anh thấy không, chúng tôi làm hết mình để giúp anh nhưng ‘số’ của anh không được Chúa cứu. Thôi anh hãy nằm đây nha, may ra...” Nhưng những người “Sold Out” cho Chúa, họ “Đồng lòng dỡ mái nhà” và họ Hiệp Sức để giữ sự quân bình dòng người bại xuống chỗ Chúa ngồi. Cầu xin Chúa ban cho Liên Đoàn Nam Giới của Liên Hữu Báp Tít không chỉ làm nhưng đồng lòng hiệp sức để hoàn tất sứ mệnh Chúa giao trên mỗi con trai của Ngài trong Liên Đoàn Nam Giới.
2. Tấm Lòng Hay Thương xót (2:4)
Phần đông những người tàn tật thường bị xã hội ruồng bỏ và đôi khi Hội Thánh cũng như gia đình quên lãng. Tin Lành Giăng 5:6 ghi “Có người bị bệnh được ba mươi tám năm’’ nằm bên bờ ao Bê-tết-đa, chờ mong người có lòng đoái thương nhưng hoàn toàn vô vọng. Nhìn lại tấm lòng chăm sóc, biết nghĩ đến kẻ tàn tật, hoạn nạn của bốn người khiêng kẻ bại liệt, họ có “đồng một tâm tình như Đấng Christ’’. Tham dự Đại Hội Báp Tít lần thứ 25 năm nay, chúng ta học được nhiều, nhưng bài học quí giá và hạnh phúc nhất đó là “Bài giảng sống” từ tấm lòng của các sứ giả , con dân và tôi tớ Chúa đã đóng góp hơn 11,000 đô-la để góp lo cho gia đình của anh chị Tuyên Nguyễn. Với hình ảnh “Sold Out” của Liên Hữu Báp Tít chúng ta thật “Tuyệt” và phù hợp với câu “một con ngựa bị đau, cả tàu chăm sóc.”
3. Chấp Nhận Sự Hy sinh (2:4)
Kinh Thánh không ghi rõ Chúa đang ngồi trong nhà của tín đồ hay trong nhà của người thâu thuế, nhưng “dỡ” mái nhà của người khác thì chắc chắn không ai để yên cho nếu chủ nhà không biết những người đó là ai. Trước hết, bốn người này phải được cái tiền tích “Sold Out” cho Chúa ở thành Ca-bê-na-um. Kế đến là uy tín của họ khiến chủ nhà yên tâm và tin tưởng họ sẽ làm lại mái nhà cho ông bà. Nhìn lại, chúng ta nhận thấy họ hy sinh sức lực để “khiêng” người bại. Họ sẽ đóng góp tiền bạc để sửa lại mái nhà.
Tại làng Morrow, cách thành phố Atlanta khoảng 30 dặm về hướng Nam, thuộc tiểu bang Georgia, Cụ Lucas ,81 tuổi, là thành viên trong First Baptist Church. Đều đặn mỗi cuối tuần có mặt nơi chợ thực phẩm Trinh’s để phát truyền đạo đơn và làm chứng cho đồng bào người Việt Nam. Có lần Mục Sư Trương Văn Minh hỏi, “Xin Cụ cho biết nguyên nhân nào khiến cụ phải làm chứng và phát truyền đạo đơn, với tuổi đời đã cao như vậy?” Cụ thản nhiên đáp: “Đừng mắc nợ ai gì cả, ngoại trừ món nợ yêu thương” (Rô-ma 13:8). Thiết nghĩ, bốn anh chàng “Sold Out” cho Chúa, nếu có ai hỏi về nguyên nhân nào họ “khiêng” người bại liệt thì họ sẽ trả lời “vì món nợ yêu thương”. Còn chúng ta, những con trai của Chúa trong Liên Đoàn Nam Giới của Liên Hữu, đang sống trong tinh thần nào? Chúng ta có “Sold Out” cho Chúa không?
MS Trương Văn Minh
(*) Bill Mccartney. ‘’ Sold Out’’ Word Publishing 1997 Trang bìa sau.
(**) Mục sư Nguyễn, Vương. Bài giảng tại Đại Hội Liên Hữu Báp Tít, Texas.